Pháp luật

Vụ chồng sát hại vợ và con trai 2 tuổi ở Tây Hồ: Hiểm họa từ "đốm lửa nhỏ" trong mâu thuẫn gia đình

Chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng, sau trận cãi vã tại nhà riêng ở phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội), Quách Văn Nam (31 tuổi) đã dùng dao sát hại người vợ trẻ và con trai 2 tuổi tử vong tại chỗ.

Liên quan tới vụ án, bà Nga (mẹ của nghi phạm Nam) cho biết, nhiều năm qua, hai vợ chồng Nam thường xuyên xảy ra cãi vã. Đó có lẽ cũng là nguồn cơn của vụ án đau lòng khiến bà Nga mất đi cô con dâu, cháu trai và đắng đót dõi theo ngày cậu con trai duy nhất của bà sẽ phải đền tội cho hành vi sát hại dã man vợ và con trai.

Theo thông tin PV tìm hiểu, sau khi gây án sát hại dã man vợ con, đối tượng Quách Văn Nam có biểu hiện không bình thường, tổ công tác của Công an quận Tây Hồ đã bắt giữ Nam đưa về trụ sở; đồng phối hợp với đơn vị chức năng khám nghiệm hiện trường, tử thi, lấy lời khai nhân chứng. Hiện, vụ án đang được Công an quận Tây Hồ thụ lý, tiếp tục điều tra.

Nhận định về vụ án, các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi những xung đột, mẫu thuẫn nhỏ trong gia đình không được gỡ “nút thắt” và không có tiếng nói chung thì mối quan hệ vợ chồng sẽ có những rạn nứt, những người trong cuộc sẽ có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực.

Hiện trường xảy ra vụ án.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Kim Quý, phòng Tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý cho trẻ, Trung ương Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định, vụ việc là sự báo động về sự băng hoại về đạo đức. Điều đáng bàn, sự gắn kết trong gia đình Việt Nam theo chuẩn mực truyền thống, đạo đức đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ án chồng giết vợ, vợ tước đoạt mạng sống của chồng vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống. Hành vi bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình không còn là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra khá phổ biến.

"Sống trong xã hội hiện đại, nhiều người đề cao cái tôi cá nhân, mưu cầu nhu cầu cá nhân lớn và khi không được đáp ứng, sự ích kỷ trỗi dậy, họ sẽ tìm mọi cách giải tỏa bức xúc kìm nén. Hơn nữa trên mạng xã hội tràn lan thông tin về những vụ án khiến nhiều người tiếp cận "hiện tượng xã hội" một cách dễ dàng hơn. Điều đáng nói, khi những thông tin tiêu cực về vụ án không được kiểm soát, vô hình trung mạng xã hội cũng là mảnh đất dạy các đối tượng "bài học dùng học lực", cái ác dần lấn át.

Sở dĩ có những vụ án đau lòng như chồng sát hại vợ và con ở Tây Hồ là do sợi dây kết nối hôn nhân lỏng lẻo. Trong cuộc sống gia đình, nếu không có sự nhường nhịn, ai cũng đề cao cái tôi thì những mâu thuẫn nhỏ như "đốm lửa" sẽ bùng thành "đám cháy lớn", từ những mâu thuẫn trong lời nói sẽ dẫn đến hành động bạo lực", Tiến sĩ Kim Quý nhìn nhận. 

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý cũng cho rằng, một vấn đề trong những vụ án xảy ra trong gia đình là áp lực cuộc sống. Áp lực về việc làm, mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc, tình ái, tác động trực tiếp vào mỗi người, làm thay đổi những giá trị sống. Khi con người sống ích kỷ, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh… tất yếu xảy ra chuyện các thành viên trong gia đình ứng xử lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau. Chính vì vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột… nhiều người không cố gắng tìm cách "hóa giải" mà lại nghĩ đến những hành vi tiêu cực, bạo lực. Điều đó cũng có nghĩa, những người thân trong gia đình cần quan tâm, không chỉ là biết, mà quan trọng là có những giải pháp để giải tỏa tâm lý bức xúc của các đối tượng.

"Bên cạnh đó, ở Việt Nam, ít người quan tâm đến các lớp học tiền hôn nhân do đó họ thiếu đi vốn kỹ năng sống, cách giải quyết những xung đột. Nếu được tham gia những lớp học này, họ sẽ có vốn kiến thức, kỹ năng và mềm mỏng trong cách xử lý tình huống thì sẽ không có những giọt nước tràn ly", Tiến sĩ Kim Quý nói.

Vụ án mạng chồng sát hại vợ và con ở Tây Hồ như hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người về cách xử lý, giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc gia đình khéo léo, đúng mực. Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu, mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội.

N.Giang