Sự kiện

Vụ chiếc xe công tiền tỷ “trung thành” ở Huế: Ai quyết định chi sai phải chịu trách nhiệm

Câu chuyện về việc sử dụng xe công vào những mục đích cá nhân hay mua xe công vượt chỉ tiêu cũng đã được đem ra bàn luận nhiều và dư luận rất quan tâm điều này. Nhưng, việc xử lý việc lạm dụng chính sách, ngân sách nhà nước dường như vẫn chưa được xử lý triệt để…

Câu chuyện sử dụng xe công của UBND huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế) mới đây nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Theo đó, năm 2017, bà Lê Thị Thu Hương là Chủ tịch UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc mua sắm chiếc xe Fortuner với mức giá được báo cáo trong hồ sơ là 1.170.800.000 đồng và được chấp thuận. Mức giá này vượt so với quy định. 

PV Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe những ý kiến phân tích, đánh giá, nhìn nhận và đưa ra giải pháp tháo gỡ trong việc sử dụng xe công từ nguyên ĐBQH Bùi Đức Thụ,  thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.

Chiếc xe Fortuner với giá tiền tỷ.

Mới đây, dư luận quan tâm câu chuyện của một nữ Bí thư huyện uỷ ở Nam Đông cùng chiếc xe công tiền tỷ “trung thành”. Theo tìm hiểu, chiếc xe công này mua vượt chỉ tiêu quy định. Vậy, theo ông việc sử dụng xe công vượt chỉ tiêu, lạm dụng chính sách phải xử lý ra sao?

Trên thực tế, tôi được biết, nhiều địa phương mua xe thường vượt quy định của bộ Tài chính đã công bố theo cách là lách luật như bỏ một số thiết bị, phụ tùng không gắn liền với xe để giảm giá xe theo đúng quy định của pháp luật.

Nhưng, khi vận hành xe lại mua tiếp thiết bị để bổ sung sau, dẫn đến giá trị của xe vẫn vượt tiêu chuẩn định mức.

Chiếc xe Fortuner phục vụ vị nữ Bí thư Huyện ủy kể trên cần phải xem xét cụ thể giá mua. Nếu cần, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm khẳng định mua bao nhiêu. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước xác minh xem việc mua xe có vi phạm quy định của pháp luật hay không. Khi đã xác định rõ sai phạm, người chuẩn chi quyết định mua xe, người sử dụng chiếc xe phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Thưa ông, vấn đề sử dụng xe công ở một số địa phương dường như vẫn chưa có sự minh bạch, ý kiến của ông như thế nào về điều này?

Việc quản lý, sử dụng xe công là vấn đề nóng không chỉ ở địa phương mà ở cả các bộ ngành, được đặt lên diễn đàn Quốc hội, có một số sai phạm trong thời gian qua đã phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý. Tuy nhiên, thực trạng mua vượt mức chỉ tiêu, sử dụng sai đối tượng dùng xe công vẫn còn.

Nguyên ĐBQH Bùi Đức Thụ cho rằng cán bộ sử dụng xe công sai mục đích thì tuỳ theo mức độ mà có hình thức xử lý nghiêm theo quy định.

Theo ông, quản lý tài sản nhà nước trong việc mua xe công cần phải được thực hiện như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Quản lý sử dụng tiền tài sản nhà nước trong việc mua xe công là khoản cần cân nhắc thận trọng theo đúng quy định của pháp luật. Trong thực tiễn hiện nay, ngân sách nhà nước đang rất khó khăn nhất là đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt kinh tế, trong đó tác động mạnh đến việc duy trì cân đối ngân sách nhà nước. Vì vậy, những việc cần chi phải được cân nhắc hết sức thận trọng, tuân thủ triệt để theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh cán bộ sử dụng xe công không rõ mục đích, hay sử dụng vào việc riêng cũng đã từng được báo chí, dư luận phản ánh. Điều này, đặt ra một vấn đề đó là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, nếu cán bộ không chấp hành nghiêm thì nói còn ai nghe? Quan điểm của ông như thế nào?

Nguyên tắc pháp luật của chúng ta đã quy định rất rõ, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ có hình thức xử lý thích đáng. Hình thức đầu tiên là khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật, nhẹ thì xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong điều kiện hiện tại, chúng ta đang tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một trong những nguyên tắc tham gia cấp uỷ, người lãnh đạo phải là đảng viên có tài, có đức, phải gương mẫu tuân thủ các đường lối, chính sách của đảng, nhà nước. Vì vậy, những trường hợp nào trong nhiệm kỳ của mình không gương mẫu và có biểu hiện lạm dụng quyền lực, vi phạm quy định về quản lý kinh tế tài chính, vi phạm pháp luật thì phải xem xét trong việc tái cử hoặc bố trí công việc khác.

Điều này, tạo lập nên môi trường để rà soát, sàng lọc lại đội ngũ cán bộ, loại bỏ những cán bộ kém phẩm chất, kém năng lực, tuỳ tiện trái nguyên tắc quản lý tài chính gây ảnh hưởng đến quy định chung.

Theo ông giải pháp nào để sử dụng xe công, quản lý xe công một cách hiệu quả, minh bạch và tránh lãng phí?

Như đã nêu, quản lý ngân sách nhà nước được phân cấp phân quyền rõ ràng cho từng cấp, mỗi cấp có quyền độc lập, tự chủ trong việc sử dụng ngân sách được phân bổ theo đúng quy định của pháp luật.

Cấp nào sử dụng sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm, đồng thời các cơ quan nhà nước cấp trên phải chịu trách nhiệm trong việc không hướng dẫn cấp dưới quản lý sử dụng ngân sách, cùng với đó thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với tình trạng cấp dưới sử dụng sai. 

Nếu tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xác định rõ trách nhiệm của từng cấp về các sai phạm, đặc biệt sai phạm trong việc mua sắm sử dụng xe công bằng ngân sách nhà nước, tôi tin rằng tình trạng lạm dụng, sử dụng ngân sách sai mục đích sẽ được ngăn chặn.

Ngoài ra, phải tính đến giải pháp cơ bản hơn, đó là tình trạng sử dụng xe công hiện nay quá nhiều liệu có nên hay không nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay. 

Bởi, giải pháp khoán kinh phí xe công (Thông tư số 24/2019/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của bộ Tài chính năm 2019-PV) đi lại đối với cán bộ đủ tiêu chuẩn đã có chủ trương và một số bộ ngành đã làm nhưng việc thực thi ở phạm vi rất hẹp, chưa ngăn chặn được tình trạng sử dụng xe công sai mục đích như quy định hiện hành, tồn tại nhiều năm nay.

Để đảm bảo việc quản lý, sử dụng xe công có hiệu quả, trước hết cần rà soát lại cơ chế sử dụng xe công.

Một giải pháp khác, đó là các đối tượng cán bộ có chỉ tiêu sử dụng xe công đưa đón có thể đi xe công hoặc đi phương tiện công cộng như lãnh đạo ở một số nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ lãnh đạo, đảm bảo sự gương mẫu của lãnh đạo, đảng viên trước cấp dưới, trước nhân dân trong việc khoán nhận sử dụng xe công.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Xử lý nghiêm nếu sai phạm

Liên quan đến vấn đề mua xe công vượt chỉ tiêu, nguyên ĐBQH Lê Như Tiến bày tỏ: “Trên diễn đàn Quốc hội khoá XIII, tôi cũng đã nói nhiều về vấn đề các tài sản công, trong đó có xe công. Theo quy định của Chính phủ, cấp nào được mua loại xe nào cũng đã có văn bản quy định, cấp huyện chỉ mua xe dưới 700 triệu đồng, còn mua vượt lên như vậy là sai, sai thì cơ quan quản lý cấp trên phải xử lý. Vì vậy, cần phải làm rõ vấn đề này và có hình thức xử lý nghiêm nếu sai phạm”.