Hồ sơ điều tra

Vụ cháu bé 10 tuổi nghi bị mẹ kế bạo hành: Tiếp tục gửi đơn tố cáo lên cấp cao sau khi có kết quả giám định thương tích

Bà Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng chi hội Luật sư - hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết, đang hướng dẫn mẹ cháu bé, tiếp tục gửi đơn tố cáo khiếu nại lên các cơ quan chức năng cao hơn. Bởi, luật sư này cho rằng, thời điểm giám định thương tích cháu bé quá xa thời điểm cháu bị bạo hành nên kết quả sẽ bị ảnh hưởng.

Liên quan đến vụ việc bé trai V.Q.K. học sinh lớp 5 tại trường Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM nghi bị mẹ kế bạo hành.

Ngày 18/10 trao đổi với báo Người Đưa Tin, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng chi hội Luật sư - hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và mẹ cháu K., bà N.T.H.Y., SN 1983, ngụ quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội cho hay, đã nhận được kết quả giám định thương tích của cháu K., do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 11 kết luận.

Kết quả giám định thương tích cháu K.

Theo đó, Bản kết luận giám định pháp y về thương tích của cháu K. do trung tâm Pháp y thuộc sở Y tế TP.HCM ghi ngày 3/10/2019 nêu: Dấu hiệu chính qua giám định đa chấn thương phần mô mềm đã được điều trị, hiện còn diện bầm cũ tại vùng thắt lưng mông, tình trạng ổn định.

Kết luận tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 0%, thương tích do vật tày tác động gây ra.

Sau khi nhận được kết quả giám định, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho hay, sẽ hướng dẫn bà Y. tiếp tục nộp đơn khiếu nại, tố cáo vụ việc lên cấp cao hơn.

Bởi theo vị luật sư này, việc cháu bé bị bạo hành xảy ra trước đó thời gian dài. Khi tiến hành điều tra, giám định tất nhiên kết quả sẽ không chính xác vì nhiều vết thương trên cơ thể cháu bé đã lành hoặc thuyên giảm.

Cháu K. được phát hiện bị đánh và sau đó mới đưa đi giám định.

Đồng thời, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM sẽ tiếp tục các thủ tục nhằm đòi lại quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé theo đúng như bản án ly hôn giữa bà Y. và ông V.N.Q. (bố cháu bé) mà tòa án quận Đống Đa, TP.Hà Nội đã tuyên năm 2011.

Theo một diễn biến khác, hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng gửi công văn đến UBND phường 15, quận 11 nơi cháu K. đang sinh sống với bố, nêu quan điểm.

Ông Q. là người chủ động thỏa thuận với bà Y để được quyền nuôi con. Nhưng, sau đó ông Q. có hành vi không tạo điều kiện cho bà Y. được chăm sóc con hay thăm đón con trong các dịp lễ Tết và đánh con để lại thương tích trên cơ thể.

Trong báo cáo của phòng Lao động – Thương binh và xã hội quận 11 có nêu: “Việc cháu K. có nguyện vọng ở với bố và không thể hiện sự sợ hãi, dù bị đánh thâm tím nhiều nơi trên cơ thể, cho thấy cháu không chỉ bị đánh lần đầu, cháu đã quen sự trừng phạt của bố”.

Mặt khác, do bà Y. luôn bị ông Q. ngăn cản không cho gặp, gần gũi con trong thời gian dài, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình cảm giữa bà và cháu K.

Đồng thời, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đề nghị công an có hình thức xử lý ông Q., liên quan đến việc cháu K. bị bạo hành.

UBND phường 15, quận 11 cần có tác động để ông Q. bàn giao cháu K. cho bà Y. nuôi dưỡng theo đúng bản án ly hôn trước đó. Nếu ông Q. không hợp tác, đề nghị UB phường cách ly cháu K. theo quy định tại Điều 31, 32 Nghị định 56/CP.

Mặt khác, hội cũng đề nghị Uỷ ban phường 15 và BGH trường tiểu học nơi cháu K. đang học phải theo dõi tình trạng của cháu, đề phòng cháu K. tiếp tục bị bạo hành. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà Y. được gặp con.

Ngoài ra hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng gửi công văn đến công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương, đơn vị mà ông Q. đang làm việc, đề nghị Đảng ủy, công đoàn công ty này có hình thức xử lý ông Q. liên quan đến việc cháu K. bị bạo hành.

Đồng thời, can thiệp để ông Q. bàn giao cháu K. cho bà Y. nuôi dưỡng, chăm sóc. Để cháu K. được phát triển toàn diện (việc này bản án ly hôn giữa ông Q., bà Y. đã tuyên năm 2011 quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cháu K. thuộc về mẹ cháu là bà Y).

Như báo Người Đưa Tin đã đưa, ngày 18/9, cô T. giáo viên của cháu K. phát hiện cơ thể học sinh mình có nhiều vết thương bầm tím. Khi được hỏi thì em K. và một số học sinh khác nói em bị mẹ kế đánh.

Cô T. báo tin này tới Tổng đài Bảo vệ quyền trẻ em 111. Sau đó, nhân viên Tổng đài 111 đã gửi tin nhắn thông tin này đến cho hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Sau khi nhận được thông tin, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư - hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM là luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đã phản ánh lại sự việc với UBND phường, Công an phường 15, quận 11.