Góc nhìn luật gia

Vụ chặt 1 cây xà cừ bị phạt 20 triệu đồng: UBND huyện có “tước quyền” giải trình công dân?!

Liên quan đến vụ chặt cây xà cừ bị phạt 20 triệu đồng, mới đây, qua rà soát các tài liệu có liên quan, một tình tiết khá quan trọng chưa được ngành chức năng đề cập là quyền giải trình của công dân có được đảm bảo?

UBND huyện Thới Bình nói gì?

Trước đó, báo điện tử Người Đưa Tin từng có nhiều bài phản ánh liên quan đến việc UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Thanh Hiền, ngụ khóm 3, thị trấn Thới Bình trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật (chặt cây xà cừ - PV).

Cụ thể, trong biên bản vi phạm hành chính số 01 lập ngày 5/8/2019 của UBND thị trấn Thới Bình có đoạn: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản này, ông Hiền có quyền gửi <văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp/văn bản giải trình> đến ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện để thực hiện quyền giải trình…”.

Biên bản này được lập xong lúc 15h ngày 5/8 và 4 ngày sau, tức đến ngày 9/8/2019, UBND huyện Thới Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hiền.

Nói về vấn đề này, UBND huyện Thới Bình cho rằng, khoản 2, khoản 3 Điều 61 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Cá nhân, tổ chức vi phạm phải gởi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 5 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Biên bản vi phạm hành chính của UBND thị trấn Thới Bình.

Biên bản vi phạm hành chính số 01 lập ngày 5/8/2019 (là ngày thứ 2) nhưng đến cuối ngày 9/8/2019 (tức là cuối thứ 6), người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính không nhận được văn bản giải trình của người vi phạm hành chính. 

Cũng theo UBND huyện Thới Bình, theo Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện và ngăn chặn kịp thời và phải chịu xử lý nghiêm minh”.

Xét thấy trường hợp này cần kịp thời ngăn chặn việc người dân tiếp tục chặt phá cây xanh (vì 2 ngày tiếp theo sau là ngày thứ 7 và chủ nhật kéo dài thời gian ra quyết định sẽ không đảm bảo và ngăn chặn việc chặt phá cây xanh).

Xử phạt có quá "vội" hay không?!

Nói về trình tự thủ tục trong xử phạt vi phạm hành chính, luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc công ty luật Tín Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, căn cứ theo luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Nhưng người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn.

Cây xà cừ bị chặt hạ.

Theo luật sư Lễ, đối việc giải trình, tại Điều 61 của luật này quy định: Nếu hành vi vi phạm hành chính mà khung phạt từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì người vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Văn bản giải trình phải gửi trong thời hạn không quá 5 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 5 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm.

Luật sư Lễ giải thích thêm, đối với trường hợp giải trình trực tiếp thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản yêu cầu được giải trình trực tiếp đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Người có thẩm quyền xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho người vi phạm về thời gian và địa điểm tổ chức phiên giải trình trực tiếp trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của người vi phạm.

“Lưu ý rằng, cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật nhưng vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.

Quyết định xử phạt của UBND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, khởi kiện nếu xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại, khởi kiện phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó theo quy định của pháp luật”, luật sư Lễ nêu quan điểm.

Như vậy, nếu xét theo mốc thời gian thể hiện trong biên bản và các quy định về quyền giải trình của công dân trong xử phạt vi phạm hành chính thì việc ra quyết định xử phạt đối với ông Hiền của UBND huyện Thới Bình là quá “vội”.

Nói cách khác, quyền giải trình của ông Hiền theo luật định đã không được đảm bảo.

Bởi, biên bản được lập xong lúc 15h ngày 5/8, dù đến cuối giờ chiều 9/8 (theo giải thích của UBND huyện Thới Bình) thì thời gian 5 ngày làm việc để được giải trình sẽ không phù hợp với quy định (thiếu thời gian – PV).