Góc nhìn luật gia

Vụ cây cổ thụ bật gốc đè nhiều học sinh: Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Vụ cây cổ thụ bật gốc tại trường THCS Bạch Đằng làm 1 học sinh tử vong, nhiều em khác bị thương khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Xét về góc độ pháp lý, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân?

Liên quan vụ việc nhiều học sinh thương vong tại trường THCS Bạch Đằng do cây cổ thụ bật gốc đè lên người các em, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có cuộc trò chuyện với luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ về vấn đề pháp lý liên quan vụ việc.

Thưa ông, về vụ học sinh bị cây cổ thụ bật gốc đè lên người khiến nhiều em thương vong, ở góc độ pháp lý ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này?

Theo quy định Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý cây xanh phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Cây này nằm trong sân trường nên nhà trường được xem là chủ sở hữu. Vì vậy, nhà trường có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm hại như Điều 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, nhà trường chỉ được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi của các em học sinh làm cho cây gẫy đổ hoặc nhà trường đã giao cho cá nhân, tổ chức khác quản lý, thì người được giao quản lý phải bồi thường.

Nhiều học sinh bị thương được lãnh đạo TP.HCM thăm hỏi tại bệnh viện. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Quyền lợi cụ thể của các em trong vụ việc này là gì, thưa ông?

Căn cứ điều 585 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường.

Đối với các em bị thiệt hại về sức khoẻ thì căn cứ Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, mức bồi thươfng bao gồm toàn bộ chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, giảm sút; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc các em học sinh trong thời gian điều trị.

Ngoài ra, còn một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho 1 người có sức khoẻ bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định

Đối với học sinh tử vong, căn cứ Điều 590, 591, Bộ luật Dân sự 2015 ngoài bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm còn phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng. Mức bù đắp tổn thất tinh thần tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Phó trưởng Công an quận 3, TP.HCM Trần Thị Kim Lý thông tin vụ việc cho báo chí. (Ảnh: Nguyễn Lành).

Theo ông, vụ việc xảy ra khiến 1 học sinh tử vong, nhiều em trọng thương thì có thể khởi tố vụ án hay không?

Cơ quan điều tra sẽ phải khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân cây gãy đổ, xem xét yếu tố cấu thành tội phạm thì mới quyết định có khởi tố vụ án hay không.

Xin cảm ơn ông!

Chiều 26/5, tại cuộc họp báo về vụ việc này, bà Trần Thị Kim Lý, Phó trưởng Công an quận 3 thông tin, sau khi nhận được tin báo, Công an quận 3 đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra ban đầu. Khi có kết quả chính thức, Công an quận 3 sẽ thông tin đến báo chí về việc có khởi tố vụ án hay không.