Tiêu điểm thế giới

Vụ Belarus chặn máy bay giữa trời Âu: Ông Putin bênh vực hay đang cố giấu phẫn nộ?

Nhìn bên ngoài, có vẻ như Nga đang bênh vực động thái chặn máy bay để bắt người của Belarus. Nhưng Moscow có thể đang cố giấu thái độ không hài lòng ở bên trong.

Vụ chặn máy bay Ryanair của Belarus khiến chính trường thế giới xao động.

Khi các nhà lãnh đạo phương Tây phẫn nộ trước việc Belarus chặn máy bay của hãng hàng không Ryanair để bắt giữ một nhân vật đối lập, lập trường khó đoán của Nga đã gây chú ý.

Có ý kiến cho rằng Moscow đang lên tiếng bênh vực hành động táo bạo của Minsk, một số khác lại đánh giá Điện Kremlin đang không hài lòng với hành động của Tổng thống Alexander Lukashenko.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, dù thế nào - Moscow giờ đây sẽ càng hưởng lợi hơn từ mối quan hệ ghẻ lạnh giữa Belarus và phương Tây.

Nga có bênh vực Belarus?

Hôm 23/5, Belarus đã yêu cầu chiếc máy bay Ryanair chở nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich chuyển hướng đến thủ đô Minsk vì lý do an ninh. Sau đó nhà hoạt động này bị giam giữ.

Trong khi phương Tây phẫn nộ, kêu gọi áp lệnh trừng phạt, Nga lại tỏ ra ngạc nhiên khi Mỹ và châu Âu thể hiện sự nghiêm trọng đối với vụ việc, đồng thời cáo buộc phương Tây áp tiêu chuẩn kép.

“Thật ngạc nhiên khi phương Tây gọi vụ việc xảy ra trên không phận Belarus là ‘chấn động’”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Facebook hôm 23/5.

"Nếu phản ứng như vậy, thì họ cũng nên cảm thấy chấn động trước những vụ việc tương tự, như vụ cưỡng ép máy bay của hãng hàng không Bolivia chở cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales, hay Ukraine ép một báy bay Belarus hạ cánh khẩn cấp”.

Mặc dù phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova được coi như một sự bênh vực rõ ràng cho Belarus, quan điểm khác lại nhận định Moscow đang bối rối trong việc đưa ra một tuyên bố ở cấp cao hơn. 

Sau vụ việc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tuyên bố Belarus đã xử lý vụ việc với một “cách tiếp cận hoàn toàn hợp lý” và kêu gọi cộng đồng toàn cầu “đánh giá tình hình một cách tỉnh táo”.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin đã từ chối bình luận về sự kiện, theo Moscow Times.

Các chuyên gia về quan hệ Nga-Belarus cho rằng phản ứng im lặng của thượng tầng Moscow nói lên quan điểm trái chiều của Điện Kremlin về nhà lãnh đạo Belarus.

"Tổng thống Lukashenko có thể đã hành động một mình, không có sự nhúng tay của Nga", Tatiana Stanovaya, người sáng lập công ty tư vấn chính trị R.Politik, nhận xét.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Sự kiện này có thể gia tăng sự hoài nghi của Nga đối với một nhà lãnh đạo hiện đang phụ thuộc sâu sắc vào Moscow.

“Giới lãnh đạo Nga sốc vì động thái táo bạo này nhưng không thể thể hiện công khai vì cần phải bảo vệ lợi ích địa chính trị của mình”, Stanovaya nói. "Trong mắt Điện Kremlin, Tổng thống Lukashenko giờ đây đang mang đến những vấn đề cần phải xem xét”.

Đối với Belarus, Nga là đối tác kinh tế và chính trị quan trọng. Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Alexander Lukashenko cũng có quan hệ gắn kết.

Đối với Nga, Belarus mang đến cơ hội tạo ảnh hưởng kinh tế và chính trị trong khu vực, đồng thời là một bức tường thành chống lại sự xâm lấn ảnh hưởng của châu Âu.

Vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Putin cho Belarus vay 1,5 tỷ USD, bên cạnh các thỏa thuận thúc đẩy thương mại. Động thái này được nhiều người coi là một cử chỉ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Lukashenko sau những bất ổn chính trị gần đây. Tuy nhiên, ông Lukashenko đã bác bỏ cáo buộc này.

Trừng phạt vô nghĩa

Giống như Nga, Belarus cũng phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế do phương Tây áp đặt với những cáo buộc về trấn áp người biểu tình và thành viên phe đối lập.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng ý áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Belarus nhưng các nhà phân tích tin rằng bất kỳ hạn chế mới nào đều có khả năng không mang lại hiệu quả.

Emre Peker, chuyên gia công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group lưu ý rằng, vụ điều phối máy bay Ryanair có khả năng mang lợi ích cho Nga bằng cách thúc đẩy quan hệ với Belarus gần gũi hơn.

“Tổng thống Vladimir Putin có khả năng sẽ hoan nghênh vụ việc khi đây sẽ tiếp tục là cái gai trong mối quan hệ giữa Belarus và phương Tây”, Peker nhận định.

"Làn sóng trừng phạt mới của phương Tây sẽ không tác động thực sự nào đến tình hình trong nước, thậm chí còn khiến Belarus xích lại gần hơn với Nga”, Matthew Sherwood, nhà phân tích cấp cao tại The Economist Intelligence Unit, nói với CNBC.