Dân sinh

Vụ bé gái bị trói chân, tay vào thùng xe tải: Bạo lực nặng nề, trẻ trở nên “miễn dịch” với hình phạt

Công an đã vào cuộc làm rõ vụ mẹ ruột trói chân, tay con gái 12 tuổi vào thùng xe tải vì trộm vặt ở Quảng Bình. Đáng tiếc, vụ việc trên không phải là hi hữu bởi đã từng xảy ra rất nhiều vụ cha mẹ bạo hành chính con ruột của mình khiến dư luận bất bình, lên án.

Hồi chuông báo động 

Cụ thể, vụ việc xảy ra vào chiều ngày 29/5 tại thôn 10, Lý Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Mẹ cháu bé 12 tuổi đã dùng dây thừng buộc hai tay của con gái vào sau thùng xe ô tô tải loại 2,5 tấn của gia đình đang đỗ trước cổng nhà. Sau khi nhận được tin báo về vụ việc, Công an xã Lý Trạch có mặt kịp thời yêu cầu gia đình cởi trói cho cháu bé  đồng thời lập biên bản, triệu tập những người có liên quan để làm rõ. Bước đầu, mẹ cháu bé khai nhận do con hay trộm vặt trong gia đình nên chị đã trói cháu bé vào đuôi xe tải nhằm mục đích răn đe.

Trước đó, tối 28/5, đại diện lãnh đạo xã An Bình (huyện Phú Giáo, Bình Dương) cho biết, trên địa bàn xảy ra vụ bé trai 5 tuổi bị mẹ kế T.L (SN 1986) đánh, đạp hết sức dã man.

Cũng hành vi tương tự như trên, ngày 29/5, ông Trần Trí Vân - chánh văn phòng UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - xác nhận Công an đang tạm giữ Danh Đa (27 tuổi, ngụ ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa) để điều tra hành vi bạo hành trẻ em. Nạn nhân là bé D.T.N. (6 tuổi), con ruột của Đa. Danh Đa trói tay con rồi dùng cây đánh đập không thương tiếc, nguyên nhân do phát hiện con gái ruột lấy gạo đổ vào cát để đùa nghịch nên tức giận, dẫn đến việc đánh bé.

Trước vụ việc bé gái 12 tuổi bị trói chân, tay vào thùng xe tải, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội chia sẻ: “Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thì pháp luật ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền trẻ em. Mọi hành vi xâm hại đến thân thể, danh dự nhân phẩm của trẻ em đều là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của Luật trẻ em năm 2016: Cha mẹ, người giám hộ của trẻ em có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nghiêm cấm hành vi bạo lực, bạo hành trẻ em. 

Với hành vi như vậy đã xâm hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý, danh dự nhân phẩm, quyền tự do thân thể của trẻ em. Có dấu hiệu hành vi bắt giữ người trái pháp luật và hành vi làm nhục, hành hạ người khác”.

Luật sư Cường nhận định: “Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, hành vi và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy mẹ và ông bà ngoại của cháu bé thường xuyên đối xử tàn ác với cháu bé thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định của bộ luật hình sự. Còn hành vi bắt trói cháu bé vào xe nơi công cộng thì cũng có thể bị xem xét về hành vi bắt, giữ người trái pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Trong trường hợp hậu quả chưa được xác định là nghiêm trọng, chưa tổn thương nặng nề đến tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, chứ ảnh hưởng lớn đến danh dự nhân phẩm của nạn nhân thì có thể không khởi tố hình sự đối với những người đã hành hạ, bạo lực đối với cháu bé nhưng những người này sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi xâm hại trẻ em”.

Chia sẻ với PV ĐS&PL, chuyên gia tâm lý – PGS.TS Trần Thành Nam - Giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, qua vụ việc này gióng lên hồi chuông vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm làm với trẻ em trong đó có trừng phạt bạo lực với trẻ.

“Yêu cho roi cho vọt” - Quan niệm sai lầm về cách dạy con

PGS.TS Trần Thành Nam chỉ ra rằng: “Bên cạnh nguyên nhân nhiều bậc phụ huynh chưa ý thức tốt về quy định pháp luật và quyền trẻ em, những hành vi trên xảy ra cũng do những niềm tin sai lầm của cha mẹ về cách dạy con. Đó là niềm tin “yêu cho roi cho vọt”, “mắng là thể hiện quan tâm”; nỗi sợ bỏ qua lỗi nhỏ sẽ nhờn và dẫn đến lỗi lớn, tin rằng phạt nhẹ mà chưa nghe thì chỉ có phạt nặng hơn mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ còn cho rằng mức độ đau khổ của trẻ càng lớn thì hình phạt mới càng hiệu quả.

Trên thực tế, những hình phạt trên gây ra rất nhiều hậu quả xấu. Bị phạt bạo hành như vậy khiến đứa trẻ cảm thấy lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã, lẫn lộn và không hiểu thực sự bố mẹ muốn gì. Hình phạt cũng làm hạ thấp lòng tự trọng, tự tin của trẻ, làm trẻ sợ những người có quyền. Làm trẻ oán giận và mong muốn trả đũa hoặc lừa dối người lớn. Chịu nhiều hình phạt bạo lực, đứa trẻ không những không học được tính kỷ luật mà còn trở nên miễn dịch với tất cả các hình phạt từ bố mẹ. Khi lớn lên, vòng luẩn quẩn bạo lực lại duy trì, con cái lại trở nên bạo lực với bố mẹ già yếu”.

Ứng xử với con trẻ thế nào?

Chuyên gia tâm lý – PGS.TS Trần Thành Nam.

Câu hỏi nhiều bố mẹ đặt ra trong quá trình nuôi dạy con cái: Nếu không trừng phạt thì tôi sẽ làm gì để con thực hiện những hành vi đúng? Làm gì để con nghe lời? Làm gì để con trở thành một công dân tốt đây?

PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: “Cha mẹ phải phân biệt được sự khác biệt cơ bản giữa kỷ luật bạo lực và kỷ luật tích cực. Kỷ luật bạo lực luôn dùng nỗi sợ hãi hay nhục nhã để cố gắng thay đổi hành vi của trẻ. Còn kỷ luật tích cực lại chứng minh cho trẻ thấy bị mất cơ hội hay buồn chán nếu không có hành vi đúng”.

Theo PGS Nam, để có thể thay đổi được hành vi sai của con, đầu tiên cha mẹ cần phải hiểu mục đích của những hành vi sai là gì. Thường thì hành vi sai của trẻ chỉ tập trung vào một số mục đích như thu hút sự chú ý, chứng tỏ bản thân, trả đũa, né tránh thất bại.

Với những hành vi sai của trẻ nhằm thu hút sự chú ý như đòi hỏi, ăn vạ. Cha mẹ có thể phớt lờ, không chú ý đến hành vi của trẻ, nhìn nghiêm nghị nhưng không nói gì, hướng trẻ vào những hành vi có ích hơn, nhắc cho trẻ nhớ về những việc phải làm và quyền lựa chọn của trẻ.

Với những hành vi sai vì mục tiêu chứng tỏ bản thân. Người lớn có thể bình tĩnh rút khỏi cuộc đôi co, không “tham chiến” để trẻ nguôi dần. Cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc, thể hiện mình hiểu cảm xúc của trẻ, chia sẻ cảm xúc của mình về tình huống đó, cùng nhau trao đổi để phòng tránh vấn đề tương tự trong tương lai. Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ thể hiện bản thân mình theo những hướng tích cực (đầu tư vào hứng thú, sở thích hoặc điểm mạnh).

Với những hành vi sai mà mục tiêu trẻ muốn trả đũa. Cha mẹ hãy kiên nhẫn rút khỏi vòng luẩn quẩn trả miếng lẫn nhau. Hãy duy trì sự thân thiện trong khi chờ đợi trẻ nguôi dần. Sau đó, khích lệ chia sẻ và hợp tác. Sử dụng kỹ năng lắng nghe để trẻ cảm thấy mình vẫn được yêu thương và tôn trọng. Sau đó, cha mẹ hãy lên lịch trình để dành những khoảng thời gian nhất định hàng ngày dành cho trẻ.

Với những trẻ dùng hành vi sai để né tránh thất bại thì cha mẹ không nên phê phán, chê bai. Hãy dành thời gian để rèn luyện thêm cho trẻ, chia nhỏ nhiệm vụ để trẻ có thể đi từng bước và thành công. Cha mẹ có thể sử dụng khen thưởng để tăng cường sự tự tin của trẻ. Với các em, thời gian bên trẻ của bố mẹ là phần thưởng lớn nhất để thay đổi hành vi sai.