Gia đình

Vụ bé gái 3 tuổi tử vong nghi do mẹ đẻ và cha dượng bạo hành: Trẻ em là nạn nhân của hoàn cảnh?

TS. tâm lý Phạm Thị Thúy cho rằng, ở mức độ nào đó, sau khi bố mẹ ly hôn thì con cái là người phải chịu tổn thương nhất và đứa trẻ 3 tuổi tử vong do bố dượng, mẹ đẻ bạo hạnh chính là nạn nhân của hoàn cảnh. Vì thế, bố mẹ hãy phòng ngừa để nuôi dưỡng tình yêu, giữ được hôn nhân, cho những đứa trẻ một mái ấm, một niềm vui.

Mới đây, mạng xã hội đăng tải thông tin về việc bé gái tên N.N.M.M. (3 tuổi, tạm trú ở phường Phương Liên, quận Đống Đa) nghi bị bố dượng và mẹ đẻ bạo hành, với nhiều thương tích trên người đã dẫn đến tử vong khiến mọi người không khỏi xót thương và phẫn nộ.

Theo đó, sáng 01/4/2020, lãnh đạo Công an TP. Hà Nội sau khi nhận báo cáo sơ bộ từ Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo bắt giữ khẩn cấp cặp vợ chồng này để điều tra, làm rõ sự việc.

Trước sự việc trên, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, trong câu chuyện này nếu đúng như báo chí phản ánh thì cần tìm hiểu rõ lý do tại sao lại bạo hành một đứa trẻ 3 tuổi đến như vậy? Lẽ ra, người thân phải nắm được thông tin về môi trường cho đứa bé đó ở có an toàn không, dù đang ở với mẹ ruột. Đạo đức của người mẹ đó ra sao, đón đi thì được ở đâu?

“Khi một đứa trẻ thiếu vắng tình yêu thương của bố hoặc mẹ thì môi trường sống của trẻ phải được chú trọng nhất. Chính vì vậy, qua sự việc này để thấy người lớn vẫn còn sơ suất khi để trẻ rơi vào tình cảnh đau đớn như vậy. Qua đây cũng cảnh báo cho những gia đình khác khi con em mình rơi vào hoàn cảnh bố mẹ sống không hạnh phúc hoặc đi bước nữa, không có nghè nghiệp ổn định. Gia đình và xã hội phải chung tay để ngăn ngừa, phát hiện sớm những sự việc trên đừng để bất kỳ đứa trẻ nào rơi vào hoàn cảnh đáng thương”.

Câu chuyện bé 3 tuổi bị bố dượng, mẹ đẻ bạo hành dẫn đến tử vong khiến nhiều người đau xót.

Dưới góc độ tâm lý, hạnh phúc gia đình TS. xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho hay: “Đây cũng là vấn đề mà tôi lưu tâm, chúng ta phải làm thế nào để hạn chế đối ta nguy cơ ly hôn. Nếu gia đình nào có thể cứu vãn được thì cố gắng cứu vãn vì sau ly hôn những đứa trẻ là khổ nhất, tội nghiệp nhất. Trẻ em sẽ bị ảnh hưởng tâm lý một cách khá nặng nề”.

TS. Phạm Thị Thúy chia sẻ, chị đã từng gặp rất nhiều hoàn cảnh sau khi bố mẹ ly hôn, mẹ nói xấu bố, sau đó không cho bố gặp con, làm đứa bé sợ bố, mỗi lần bố gặp liền né tránh, thậm chí nói hỗn xược với bố mình. Chính người mẹ đã gieo vào đầu con, làm méo mó hình ảnh người bố nên sau này lớn lên đứa trẻ đó sẽ bị ảnh hưởng đến nhân cách.

Còn có trường hợp ngược lại, bố nói xấu mẹ, hay bố mẹ đi lấy người khác con ở với ông bà, có những gia đình con may mắn được ở với ông bà chăm sóc, nhưng có em bé vì ông bà ghét bố hoặc mẹ nên hắt hủi cả cháu ruột mình.

TS. xã hội học Phạm Thị Thúy.

“Từ rất nhiều câu chuyện đã xảy ra trong xã hội và để lại hậu quả nặng nề đối với trẻ, bố mẹ hãy phòng ngừa để nuôi dưỡng tình yêu và giữ được hôn nhân.

Trong trường hợp các cặp đôi không có hạnh phúc buộc phải chia tay thì nên giảm thiểu tối đa hậu quả lên con mình. Sắp xếp cho con mình một nơi ở tốt, an toàn nhất, không tranh giành việc nuôi con, ai nuôi tốt nhất thì nên cho người đó nuôi. Hãy nghĩ đến quyền lợi của con, bởi, nguy hiểm nhất là tranh giành việc nuôi con. Đừng vì cái tôi, vì ích kỷ cá nhân mà các con phải gánh chịu mọi thứ”, TS. Phạm Thị Thúy phân tích.

Ngoài ra, những người thân trong gia đình hãy hiểu nỗi khổ của con, hãy bù đắp cho con đúng cách, tránh chiều chuộng sẽ làm hư con. Tránh đối xử quá khắc nghiệt, đôi khi vì ghét bố hoặc mẹ trẻ nhưng lại đổ lên con giống như “giận cá chém thớt”.

Với cộng đồng, khu phố, hàng xóm, xã hội, phải quan tâm đến các vấn đề của hộ dân, phải kêu gọi những người xung quang giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tay hãy cùng chung tay vì niềm vui, vì sự an toàn của mỗi trẻ.

 Mai Thu