Dân sinh

Vụ bé 2 tuổi bị bố của bạn đánh ở Lào Cai: Có thể xử lý hình sự và đình chỉ hoạt động cơ sở giáo dục mầm non

Vụ việc người đàn ông tát bé 2 tuổi ở Lào Cai thêm một lần gióng lên hồi chuông báo động về sự an toàn trong trường học.

Lối hành xử côn đồ của phụ huynh 

Dư luận không khỏi sốc trước vụ việc người đàn ông tát học sinh mầm non 2 tuổi ở Lào Cai vì nghi con bị bạn cắn. Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm người vi phạm để răn đe vì đây là vụ việc bạo hành trẻ thô bạo, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. 

Cũng mới đây, ngày 13/7, khi bé Nguyễn Gia K. (7 tuổi, trú tại tổ 7, P.Hữu Nghị, TP.Hòa Bình; học sinh lớp 1A3 Trường tiểu học Hữu Nghị, TP.Hòa Bình) đang ở trường thì bị phụ huynh của bạn đưa ra ngoài hành hung do xích mích với con mình trong lúc chơi đùa. Vụ hành hung khiến bé K. thương ở vùng mặt và tay, chảy nhiều máu.

Không chỉ có những vụ việc hành hung bạn học của con mà còn có những vụ hành hung, hạ nhục chính giáo viên - người dạy dỗ con cái của họ gây bức xúc dư luận. Ngày 19/5, cô Đặng Thanh Thúy - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1 Trường tiểu học và THCS Lộc Giang (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) – đang đứng lớp giảng dạy thì ông Nguyễn Hồng Phúc, một phụ huynh, xông vào lớp dùng mũ bảo hiểm đánh liên tục vào đầu cô Thúy. 

Sau những vụ việc đau lòng trên, rất nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi: “Những phụ huynh sẵn sàng xuống tay với bạn, giáo viên của con mình sẽ gửi đến con họ “thông điệp” gì từ những hành động ấy?”. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, khi bố mẹ không tôn trọng, khi có vấn đề gì sẵn sàng hành hung bạn, giáo viên, của con thì “thông điệp” gửi đến đứa trẻ sẽ là: Khi gặp phải bức xúc, chúng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề mà không cần phải tôn trọng thầy, cô giáo, bạn bè. Từ đó, việc giáo dục trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Vị phụ huynh có hành vi bạo lực đối với bạn của con ở Lào Cai. (Ảnh cắt từ clip)

Coi con mình là vàng bạc, những đứa trẻ khác là rơm rác?

Quay lại vụ việc bé 2 tuổi ở Lào Cao bị bố của bạn đánh, chuyên gia tâm lý - giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam cho hay: “Hành động của vị phụ huynh lúc đó cho thấy trong lòng anh ta đầy thù hằn, đổ lỗi, thiếu hiểu biết, ích kỷ và vô trách nhiệm. 

Đổ lỗi và thiếu hiểu biết ở chỗ anh ta đã diễn giải việc con bị bạn cắn trong lúc tranh đồ chơi là do bạn cố tình. Không hiểu biết rằng đó là những hành động có thể gặp ở giai đoạn phát triển lứa tuổi này vì các con chưa thể thông cảm và nhìn được sự việc dưới góc nhìn của người khác.

Chưa ý thức được quyền sở hữu nên tất cả những gì trong tầm mắt đều là của mình. Chưa có năng lực ngôn ngữ để nhờ giúp đỡ mà chỉ dùng những hành động bản năng để phản ứng lại những hành động khó chịu. Anh ta cũng có thể đổ lỗi cho giáo viên đã không để ý đến con mình mọi lúc hay nhà trường chưa có sự quan tâm sâu sát dẫu rằng nếu cô không can thiệp sự việc còn đi xa hơn. Nhưng để có những hành vi vào lớp bạo hành con trẻ trong tay cô giáo như vậy, có thể là do anh ta đang mang một nỗi ấm ức ở đâu đó. Mượn sự việc này như một cách trút giận cho bản thân.

Ích kỷ và vô trách nhiệm ở chỗ hành vi này không chỉ gây tổn thương về mặt thể chất và tinh thần cho nạn nhân. Đứa trẻ bị đánh ngay trong vòng tay cô chắc chắn sẽ bị chấn thương tâm lý ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, những người bị chấn thương tâm lý sẽ bao gồm tất cả những đứa trẻ khác trong lớp chứng kiến cảnh này, bản thân cô giáo cũng chịu ảnh hưởng tâm lý trước hành vi hung hãn của vị phụ huynh. Và con của chính vị phụ huynh kia cũng sẽ chịu chấn thương tâm lý không ngoại lệ.

Hành động của vị phụ huynh thực sự gây phẫn nộ còn vì cách hành xử theo kiểu coi con mình là vàng là bạc, còn những đứa trẻ khác là rơm là rác. Coi thường các quy định an toàn trường học, coi thường cả nhà trường, cả giáo viên đang ôm trẻ trong lòng”. 

Chuyên gia tâm lý - giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam.

Đồng quan điểm với PGS.TS Nam, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư Hà Nội) nhấn mạnh, đây rõ ràng là hành vi rất côn đồ, vô giáo dục của một người lớn trong môi trường giáo dục. Hành vi cho thấy người đàn ông này coi con mình là vàng là ngọc và coi rẻ sức khỏe, nhân phẩm của những đứa trẻ khác. Với mức độ nhận thức, hiểu biết và cách giáo dục như vậy, nạn nhân đầu tiên có lẽ sẽ là con cái của ông ta, sẽ rất thiệt thòi cho những đứa trẻ mà ông ta giáo dục. 

Sự nuông chiều, dung túng, bênh vực con gái một cách mù quáng như vậy sẽ hình thành nên những đứa trẻ ích kỷ, tham lam, bần tiện và rất côn đồ. Vì chúng được bao bọc, được bảo vệ một cách vô lý nên chúng sẽ có tư duy là mình luôn đúng, luôn có được mọi thứ mình cần và muốn đạt được thứ gì đó có thể bất chấp tất cả. Thực tế không ít người phạm tội bởi sinh ra và được giáo dục trong một môi trường gia đình như thế.

Luật sư Cường cho hay: “Hành vi của người đàn ông này rất cục súc, côn đồ, nếu có thương tích, hoàn toàn có thể xử lý hình sự. Gia đình cháu bé này có thể đề nghị giám định thương tích và đi kiểm tra tâm lý của cháu. Trong trường hợp chỉ cần có tỷ lệ thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ  dưới 11% (dù 1 - 2%) cũng phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và có thể bắt tạm giam đối tượng này về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), do hành vi có tính chất côn đồ và phạm tội với người dưới 16 tuổi”.

Hồi chuông cảnh báo đảm bảo an toàn trong trường học

Theo luật sư Cường, điều đáng nói ở vụ việc này, giáo viên không hề có phản ứng gì để bảo vệ trẻ em, bảo vệ cháu bé còn quá nhỏ tuổi này, thậm chí hành vi của giáo viên còn thể hiện đồng loã với người đàn ông này trong việc dọa nạt, hành hạ cháu bé.

Đây là vụ việc nghiêm trọng bởi vậy cơ quan chức năng có thể đình chỉ hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non này để đảm bảo an toàn cho các cháu bé, tránh những vụ việc bạo lực gia đình học đường có thể xảy ra như vụ việc trên.

Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của các giáo viên và lãnh đạo của nhà trường này đối với vụ việc để cho phụ huynh tự ý vào lớp đánh đập một đứa trẻ mới chỉ hai tuổi mà không có phản ứng gì để bảo vệ cháu bé, hành vi còn tiếp tay cho việc bạo lực diễn ra ngay tại lớp học.

Với những cơ sở giáo dục không đảm bảo an toàn cho trẻ em, với những giáo viên thiếu kiến thức, kỹ năng, không có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo lực của người lớn cũng không xứng đáng để tiếp tục thực hiện hoạt động giáo dục.

Bởi vậy, cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay với cơ sở giáo dục này, cần xem xét cả giấy phép và điều kiện hành nghề của các giáo viên này.

PGS.TS Nam cũng cho rằng, sự việc này dấy lên một quan ngại với nhà trường trong việc đảm bảo an toàn trường học, an toàn cho học sinh và an toàn cho chính giáo viên. Việc giám sát quy định phụ huynh ra vào trường, không được vào lớp ra sao cần phải được xem xét lại và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Phong Linh