Hồ sơ

Vụ án tử hình oan nghiệt rúng động nước Mỹ: Xót xa thân phận thiếu nữ da màu 20 tuổi mắc kẹt trong mối tình oan trái

Dù đã nhiều thập niên trôi qua kể từ khi cô gái trẻ da màu Corrine Sykes nhận án tử hình khi mới 20 tuổi, sự thật sau bản án khắc nghiệt vẫn khiến dư luận Mỹ và những người làm trong ngành tòa án day dứt. Làm sao cô gái da màu, ít học, nhỏ bé và yếu đuối ấy có thể phạm trọng tội, đặc biệt là gây án một mình?

Bản án oan nghiệt

“Em đẹp lắm, em yêu”, bạn trai Jaycee Kelly không quên dành lời ngọt ngào cho Sykes trước khi mở cửa xe để cô gái bước xuống ngôi nhà mà cô sẽ ở lại giúp việc. Trong 2 ngày đầu tiên, công việc diễn ra bình thường theo yêu cầu của chủ nhà Freda Wodlinger. Nhưng vào hôm thứ ba, Harry, chồng của bà Freda, chợt quay về nhà khi đang trên đường đi chơi golf để rã đông ít thịt chuẩn bị cho bữa tối, ông giật mình khi thấy cánh cửa trước hơi hé ra. Đi sâu vào bên trong, ông hoảng loạn khi thấy vợ nằm chết trên vũng máu trong nhà tắm với 4 vết đâm ở bên trái ngực. Theo người chồng, chiếc nhẫn cưới có đính kim cương trên tay vợ mình đã bị mất. Tờ 100USD từ ngăn kéo bàn trong nhà cũng “không cánh mà bay”.

Vài tuần sau, Sykes xuất hiện trong phiên tòa giết người giật gân nhất chưa từng xảy ra ở Philadelphia trong nhiều thập kỷ với vai trò là nghi phạm. Và ngày 14/10/1946, Sykes nhận án tử hình bằng hình thức ngồi ghế điện sau một phiên tòa xét xử vội vã, kéo dài chỉ 3 ngày tại Philadelphia.

Dù đã nhiều thập niên trôi qua kể từ khi cô gái trẻ da màu Corrine Sykes nhận án tử hình, dư luận Mỹ và những người làm trong ngành tòa án vẫn còn day dứt.

Điều kỳ lạ, phiên tòa diễn ra vào tháng Ba nhưng 2 tháng sau đó Sykes mới được thẩm vấn và chỉ định luật sư bào chữa. Việc điều tra, xác minh chứng cứ của cảnh sát trong vụ việc này cho thấy sự cẩu thả. Các tình tiết bạo lực của vụ án được nhắc đến nhưng cảnh sát dường như chưa bao giờ nghiêm túc đặt câu hỏi, liệu một cô gái 20 tuổi, nhỏ bé có thể làm điều này một mình hay không?

Sở dĩ Sykes nhanh chóng được xác định là nghi phạm duy nhất của vụ án chỉ đơn giản vì 1 người hàng xóm của bà Freda kể rằng đã thấy Sykes bước ra khỏi nhà Wodlinger trong buổi sáng ngày xảy ra án mạng.

Lần theo các mối quan hệ cá nhân của Sykes, cảnh sát tìm thấy cô đang trốn trong nhà nhân tình. Khi bị bắt, Sykes không hề kháng cự. Là một cô gái da đen, ít học, địa vị thấp, khi bị buộc tội sát hại 1 phụ nữ da trắng giàu có, Sykes dường như chấp nhận sự thua thiệt của mình.

Cô lập tức bị tống giam mà không được bảo lãnh. Trước mặt các điều tra viên, những lời cô liên tục nói trong 2 tuần đầu tiên bị thẩm vấn là "Tôi không giết bà ta". Nhưng Sykes cũng im lặng khi cảnh sát hỏi ai đã sát hại bà Freda. “Cô gái đã không nói với họ bất cứ điều gì”, hồ sơ của cảnh sát cho biết.

Thế rồi, Kelly cũng được đưa đến đồn cảnh sát. Và vì nghĩ người yêu có thể gặp nguy hiểm khi cảnh sát mở rộng điều tra vụ việc, cô gái trẻ quyết định ký vào một văn bản dài 4 trang với thừa nhận cô đã giết Freda Wodlinger. “Tôi thú nhận tôi đã làm tất cả một mình. Tôi làm với mục đích duy nhất là để cướp tài sản”, cô gái trẻ liều mình khai nhận để tránh làm hại đến người yêu.

Gã sát nhân núp bóng nhân tình ga lăng

Khác với Sykes khờ khạo và trẻ tuổi, Kelly là một tay chuyên buôn rượu lậu có tuổi đời gần gấp đôi cô gái trẻ, ma mãnh và từng quăng quật trong đủ mối quan hệ phức tạp với dân xã hội đen. Cuộc gặp tình cờ trên phố năm trước với người đàn ông luôn tỏ ra ga lăng, sẵn sàng xin việc và giúp đỡ khiến Sykes ngỡ đó là may mắn của cuộc đời mình nên lao vào cuộc tình với Kelly. Đâu có biết rằng những lần đưa đón Sykes đi làm đã giúp gã đàn ông biết đường đi nước bước quanh nhà Wodlinger và ngấm ngầm ra tay gây án.

Ban đầu Kelly cũng được xác định là nghi phạm quan trọng của vụ án, nhưng vì Sykes muốn bảo vệ người tình nên một mực nhận mọi tội lỗi về mình. Cô thậm chí còn điểm chỉ vào tờ khai dù gần như không biết chữ. Vì thế, cảnh sát điều tra đã không chú ý đến Kelly và áp đặt mọi tội lỗi cho duy nhất Sykes.

Bản chất lưu manh của Kelly chỉ được thể hiện rõ khi trước tòa, để chạy tội, hắn một mực phủ nhận quan hệ với Sykes. Trong khi đó, ở bên cạnh, biết bị phụ bạc, cô gái trẻ vẫn không thay đổi lời khai.

May mắn dường như đã không mỉm cười với Sykes thêm một lần nữa khi luật sư bào chữa cho cô, Raymond Pace Alexander, dù rất quyết tâm cứu thân chủ của mình nhưng lại rất chủ quan khi cho rằng Sykes sẽ không phải đối mặt với ghế điện. Bởi khi đó, phụ nữ hiếm khi bị xử tử ở Mỹ. Thêm nữa, vị luật sư này dù có nhiều năm hành nghề nhưng lại chỉ thực sự có kinh nghiệm trong các vụ xử tai nạn xe hơi và đánh nhau.

Một vài điều tra viên nói, Sykes khó có thể là hung thủ bởi cô quá nhỏ bé và yếu ớt, không thể dùng sức vật lộn với nạn nhân quyết liệt như thế. Nhưng trong quá trình lập cáo trạng, tòa án cố tình phớt lờ điểm nghi vấn được phía cảnh sát đưa ra. Bộ đồng phục vấy bẩn của Sykes, vật chứng quan trọng nhất của vụ án, không được đem ra trước tòa.

Trong khi đó, vụ án người giúp việc da màu sát hại chủ nhà đã gây nên nỗi sợ hãi và hoang mang trong lòng nhiều bà nội trợ người Mỹ. Bởi vào những năm 1940, khi các ông chồng đi chiến đấu ở nước ngoài, họ hầu hết phải thuê những người da đen giặt giũ, chăm sóc con cái. Và bồi thẩm đoàn của vụ án, Adeline C. Hyde, 1 bà mẹ da trắng đang nuôi 2 con nhỏ cũng lớn tiếng nói trước tòa: "Không thể giảm nhẹ tội được. Cô ta phải bị xử tử hình".

Hơn 1 năm sau phiên tòa, Sykes bị đưa lên chiếc ghế điện, kết thúc chuỗi ngày oan trái và để lại khoảng lặng xót xa cũng như sự tranh cãi không ngớt của những người trong ngành tòa án và dư luận.

Hung thủ không ai ngờ tới?

Phần đời còn lại của Kelly đã phải trả giá vì sự tuyệt tình hắn dành cho Sykes. Theo hồ sơ lưu trữ của cảnh sát, Kelly liên tục vào tù ra tội vì trộm cắp cho đến lúc chết. Nhưng có thể cả Kelly lẫn Sykes đều không phải hung thủ giết bà Freda. Trước khi qua đời, ông Harry thừa nhận thực ra ông mới là kẻ sát hại vợ mình. Dù vậy thông tin này đến nay vẫn chưa được kiểm chứng, bởi không có tài liệu nào ghi nhận việc này.