Xi nhan Trái Phải

Vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại: Quyền tự do ngôn luận có đi đúng hướng?

Từ khi nào một số anh hùng bàn phím cho mình cái quyền được “định tội” người khác? Họ nghĩ đó là quyền tự do ngôn luận, được lên tiếng trước mọi vấn đề của đời sống, nhất là khi các sự kiện còn đang nóng hổi. Nhưng không phải lúc nào tiếng nói của họ cũng là “đúng người, đúng thời điểm”, rồi bỗng nhiên những người vô tội trở thành nạn nhân của vài kẻ “rảnh rỗi sinh nông nổi”.

“Người ta gọi tôi là ác quỷ, là cầm thú. Tôi bênh con”

Vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị sát hại ngày 4/2 (chiều 30 Tết) đã gây nên làn sóng căm phẫn trong dư luận xã hội suốt những ngày qua. Dường như lên án 5 nghi phạm vẫn chưa đủ, dư luận còn chỉ trích cả gia đình các đối tượng. Nỗi đau gia đình nạn nhân xấu số cũng đã vơi đi phần nào khi các đối tượng bị bắt, nhưng ở phía bên kia, người thân các nghi phạm lại đang sống trong những ngày tủi nhục vì đối mặt với tâm bão của sự chỉ trích dư luận, sự xa lánh của bà con hàng xóm.

Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân Việt, me nghi phạm Lường Văn Lả không cầm nổi nước mắt, bà nói trong cái nghẹn đắng cổ họng: “Nó bảo bố mẹ yên tâm con không làm gì cả, con không có giết người, nhưng ngay sau đó chúng tôi đọc báo thấy con trai mình là một trong những hung thủ gây ra sự việc”.

Rồi một lúc sau giọng bà lạc đi, vừa khóc vừa nói: “Đau xót lắm chú ạ. Sinh con ra, chúng tôi có dạy con làm cái xấu đâu. Giờ nó như vậy rồi chúng tôi không biết phải làm sao cả chỉ mong gia đình cô gái, xã hội thứ lỗi cho người làm cha, làm mẹ chúng tôi”.

Cùng với người vợ, ông L.V.D. không giấu nổi sự đau xót: “Người ta gọi tôi là ác quỷ, là cầm thú. Tôi bênh con”. Rồi hôm đọc được một bài đăng tải trên mạng, mọi người vào sỉ vả khiến ông không còn mặt mũi nào mà ra đường: “Người ta hỏi sao thì tôi trả lời vậy, tôi không giấu giếm điều gì, con tôi ra sao tôi trả lời như vậy, nó hư - chúng tôi dạy không được chúng tôi phải chịu; người ta hỏi tôi có biết chuyện con trai tôi gây tội không thì tôi cũng thật lòng bảo là nếu biết thì đã không để chuyện xảy ra. Nếu biết đã ngăn cản. Nếu biết đã đưa con đi đầu thú. Giờ người ta bảo tôi bênh con, bao che con. Tôi biết phải làm sao”?

Đồng cảnh ngộ với gia đình nghi phạm Lường Văn Lả, cha mẹ đối tượng Lường Văn Hùng cũng đang sống trong những ngày tăm tối nhất của cuộc đời, không biết giấu mặt vào đâu. Bà L.T.D. -mẹ của Hùng cay đắng khi kể về đứa con trai tội lỗi: “Nó có lớn mà không có khôn. Giờ này chỉ có chết chứ làm sao sống nổi”.

Hãy ngừng miệt thị người vô tội

Đau xót khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra phạm tội đã là quá đủ nhưng nay cha mẹ những nghi phạm còn phải đối mặt với làn sóng miệt thị của dư luận xã hội. Không ai trên đời có thể nghĩ đến một ngày người thân mình vướng vòng lao lý, nhất là những bậc sinh thành, nhưng khi gặp phải cảnh con mình tù tội thì họ cũng phải ngậm đắng nuốt cay. Vậy mà không ít người lạ cho mình cái quyền được sỉ vả, chửi rủa, cho rằng họ bênh con, họ sinh ra những “con thú đội lốt người”.

Dư luận lấy tư cách gì để cho mình cái quyền được xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác? Thay vì nói những lời miệt thị, tại sao dư luận không đồng cảm đặt mình vào hoàn cảnh của họ? Họ cũng chỉ như bao cha mẹ khác luôn mong con cái trưởng thành khôn lớn, nhưng vướng vào cảnh này thì cũng đành bất lực!

Miệt thị người khác không khiến chúng ta tốt lên ngược lại nó chỉ càng gây nên nỗi đau cho người vô tội, họ không đáng phải nhận những lời cay nghiệt như vậy! Trong chốn linh thiêng đầu năm người ta cầu khấn toàn những điều hay ý đẹp, nhưng khi bước vào đời sống thực tại lời hoa mĩ đó đã bị thay thế bởi câu xúc phạm như xát muối vào lòng người.

Tiểu thuyết “Miền cháy” (1977) của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gây nên những xúc cảm mạnh mẽ cho bạn đọc về những cuộc giáp mặt sau chiến tranh, cách mà người chiến thắng đối xử với kẻ bại trận. Nổi lên là hình ảnh bà mẹ Êm, thay vì trả thù tên sĩ quan ngụy đã bắn chết con trai mình, bà đã nhận nuôi chính đứa con trai của hắn. Để rồi lòng bao dung, độ lượng còn hơn mọi loại vũ khí hủy diệt đã khiến tên lính Mỹ cắn rứt lương tâm suốt đời.

Với kẻ thù người mẹ Việt Nam anh hùng đó còn đối xử vị tha như thế, vậy tại sao dư luận “vô thưởng vô phạt” lại “chĩa súng” vào cha mẹ của những nghi phạm giết người? Họ có đáng bị lên án, đáng bị dư luận “định tội”? Một xã hội văn minh không đo đếm bằng sự giàu có của cải vật chất mà là cách đối xử  giữa người với người. Sống bao dung, độ lượng khiến chúng ta thấu cảm với đồng loại và nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan.

Lời kết…

Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của mọi công dân nhưng không thể lấy nó để “chĩa súng” chỉ trích, lên án người khác vô căn cứ. Ranh giới giữa “quyền được làm” và “hành vi bị ngăn cấm” rất mong manh, vì vậy hãy đủ tỉnh táo để trở thành người văn minh.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Vũ Thủy

Quý độc giả có ý kiến đóng góp, bài viết cộng tác chuyên mục Đa chiều - báo Điện tử Người Đưa Tin xin gửi về hộp thư điện tử: Toasoan@nguoiduatin.vn