Vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em: Cần xem xét trách nhiệm của 2 thẩm phán còn lại

Việc chỉ truy cứu trách nhiệm thẩm phán Thiện là chưa hợp lý, thiếu công bằng. Bởi lẽ, HĐXX phúc thẩm trong vụ án trên là 3 người, cả 3 đều là thẩm phán, vì thế việc chịu trách nhiệm là như nhau.

Sau khi tuyên Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) tội "Dâm ô trẻ em" và giảm án từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo, mặc dù chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện cho biết mình đã bị dư luận lăng mạ, miệt thị, khủng bố tinh thần, “ném đá” dữ dội nhưng toà án cấp trên cũng đã quyết định xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời đình chỉ công tác xét xử của thẩm phán Thiện.

Phiên tòa xử bị can Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù treo gây nhiều tranh cãi

Sự việc đúng, sai sẽ do cơ quan có thẩm quyền kết luận trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc dư luận và cả cơ quan chức năng tập trung quy kết trách nhiệm vào một mình thẩm phán Thiện là chưa thật sự công bằng.

Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật... Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Điều 23 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng khẳng định lại nguyên tắc này. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất khi xét xử của tòa án các cấp.

Việc chỉ truy cứu trách nhiệm thẩm phán Thiện, theo quan điểm cá nhân tôi là chưa hợp lý, thiếu công bằng. Bởi lẽ, HĐXX phúc thẩm trong vụ án trên là 3 người, cả 3 đều là thẩm phán, vì thế việc chịu trách nhiệm là như nhau.

Căn cứ nguyên tắc xét xử trên thì 2 thẩm phán còn lại cũng phải chịu trách nhiệm ngang bằng với thẩm phán Thiện. Thậm chí, khi nghị án nếu thẩm phán Thiện bảo lưu mức án của tòa cấp sơ thẩm (3 năm tù giam) mà 2 người còn lại biểu quyết giảm án như vừa qua thì họ phải chịu trách nhiệm chính, vì theo nguyên tắc đa số.

Theo quy định pháp luật hiện hành, chủ tọa phiên tòa vừa là người tiến hành tố tụng vừa là người điều khiển toàn bộ hoạt động tố tụng tại phiên toà và được giao một số thẩm quyền như quyết định xử phạt hành chính, triệu tập nhân chứng, người liên quan...

Tuy nhiên, khi nghị án và ra quyết định về mức án thì cả 3 thẩm phán đều ngang quyền nhau, trách nhiệm như nhau. Do đó, trừ với tư cách chủ tọa mà thẩm phán Thiện vi phạm nguyên tắc pháp luật quy định còn nếu không thì trách nhiệm đối với phán quyết (bản án) phải là của cả 3 thẩm phán.

Như vậy, 2 thẩm phán còn lại đương nhiên cũng phải chịu trách nhiệm tương tự, ngang bằng thẩm phán Thiện, kể cả mặt kỷ luật hành chính và... dư luận!

Có như vậy mới đảm bảo công bằng, khách quan, đúng chức trách, nhiệm vụ và bản chất sự việc. Xa hơn nữa là đề cao trách nhiệm của HĐXX khi ra các bán án, quyết định đúng pháp luật, đúng người, đúng tội. Đặc biệt là làm cho những người liên quan, nhất là thẩm phán Thiện tâm phục, khẩu phục và dư luận nhìn nhận vấn đề khách quan, công bằng đối với vụ án này.

ThS Luật Phạm Văn Chung

(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả