TV Show

Vụ án đặc biệt khiến Địch Nhân Kiệt suýt vướng phải trọng tội xúc phạm đến mồ mả người chết

Tất cả những vụ việc, biến chuyển xảy ra trong triều đại nhà Đường Trung Quốc đều được sách sử theo dõi, ghi chép một cách nghiêm túc. Hình tượng thần thám Địch Nhân Kiệt được biết đến với một hình thức điều tra thông minh liêm khiết.

Địch Nhân Kiệt (630-700), tự Hoài Anh, còn gọi là Lương Văn Huệ công, là một quan lại của nhà Đường cũng như của triều đại Võ Chu do Võ Tắc Thiên lập ra. Ông từng giữ chức tể tướng thời kỳ Võ Tắc Thiên trị vì.

Cho dù là khi đang giữ chức quan đại lý thừa hay được phong làm tể tướng thì Địch Nhân Kiệt vẫn không thay đổi sự thanh liêm của mình. (Tạo hình Địch Nhân Kiệt trên phim).

Địch Nhân Kiệt là người Thái Nguyên, Tịnh Châu (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây), sinh ra trong một gia đình quan chức. Cao tổ của ông là Địch Trạm đã theo Vũ Văn Thái chạy về Hàm Dương. Ông nội là Địch Hiếu Tự từng giữ chức thượng thư tả thừa (thư ký trong thượng thư tỉnh), cha đẻ là Địch Tri Tốn từng làm trưởng sử Quỳ Châu (nay là miền đông Trùng Khánh).

Thời tuổi trẻ, Địch Nhân Kiệt được biết đến vì tính chuyên cần siêng năng của mình. Ông cũng là người có thân hình vô cùng vững chắc, gương mặt sáng như ngọc, mi thanh mục tú, tướng mạo vô cùng khôi ngô.

Trải qua bao thăng trầm trên con đường quan lộ, dù được thăng quan hay bị giáng chức, mỗi khi đảm nhận nhiệm vụ, Địch Nhân Kiệt đều lấy dân, lấy nước làm gốc, đạt được nhiều công lao to lớn. Đương thời, đồng môn thì gọi ông là "Địch công chi hiền, bắc đẩu dĩ nam, nhất nhân nhi dĩ", ý so sánh Địch Nhân Kiệt là hiền tài tựa sao bắc đẩu soi sáng phương nam, vượt qua giới hạn của một người phàm. Còn hậu thế ghi nhận tài phá án của ông và lưu truyền hàng trăm năm sau.

Tạo hình Địch Nhân Kiệt lúc trẻ trên phim.

Đến thế kỷ 20, nhà văn người Hà Lan Robert Van Gulik đã tổng hợp ghi chép lại những vụ án của ông trong tác phẩm Địch công kỳ án.

Trong số các vụ án mà Địch Nhân Kiệt từng phá, có vụ án giết người bằng cách dùng đinh dài đóng vào đỉnh đầu (Thiết đinh án) đã khiến ông chút nữa phạm phải trọng tội nếu không tìm ra được thủ phạm.

Địch công khi đó là thứ sử Bắc Châu đã tiếp nhận vụ án về một cái chết bất thường từ cách đó nhiều năm. Vụ án này đã được vị thứ sử tiền nhiệm trước kết luận là chết hoàn toàn tự nhiên. Chỉ có điều, ngỗ tác (người khám nghiệm tử thi) đưa ra một điểm thắc mắc là tại sao mắt người chết lại hơi lồi ra hơn bình thường.

Trước đó, người chết vẫn khỏe mạnh, bệnh tim cũng không thể phát tác nhanh thế. Đáng ra ở một thời điểm bình thường thì chi tiết đó sẽ có thể là điểm quyết định khám nghiệm lại, nhưng ở trong tình cảnh quân địch đang tràn vào biên giới thì việc đó bị bỏ qua bởi các sự kiện nguy cấp hơn trước mắt.

Lúc đó, Địch công đã nghi ngờ ngay người quả phụ của người chết. Bởi trước đó, thì ả cũng bị nghi ngờ trong vụ án đầu độc chết một võ sư danh tiếng trong nhà tắm công cộng.

Do không tìm được chứng cứ trực tiếp kết tội quả phụ, Địch công bắt buộc phải cho khai quật thi thể của chồng ả lên để khám nghiệm lại. Lần khám nghiệm này ngỗ tác cũng không thể tìm ra vết thương nào có thể dẫn đến cái chết, cũng không bị hạ độc.

Như lời đã hứa trước toàn thể dân chúng vùng biên giới Bắc Châu xa xôi thì Địch Công sẽ phải từ quan. Theo mục 276 của Hình luật Trung Hoa được áp dụng cho đến khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập năm 1911 thì “Tất cả những kẻ phạm tội đào bới, cày xới đất chôn của người khác, đến mức làm lộ ra quan tài ở đó, sẽ bị phạt một trăm trượng và vĩnh viễn bị cách ly ở khoảng cách ba nghìn dặm. Bất kỳ kẻ nào, sau khi đã phạm tội như trên, mà vẫn tiếp tục tiến hành mở quan tài, rồi mang thi thể bên trong ra, sẽ bị xử tử bằng hình thức treo cổ, sau khi đã chịu án tù theo luật”.

Thế mới thấy tội của Địch Công ở đây, dù là thứ sử thì cũng không thể bỏ qua. Vì việc xúc phạm đến mồ mả người chết là một trọng tội.

Sách Thiết đinh án.

Trong lúc đang chuẩn bị sẵn sàng cho lời hứa của mình thì Địch công nhận được gợi ý từ Quách phu nhân, quản giáo khu nữ lao, vợ hai của ngỗ tác. Quách phu nhân trước cũng từng có một người chồng rượu chè, vũ phu, sau chết không rõ lý do. Quách phu nhân chỉ cho Địch công về cách giết người bằng đinh dài đóng vào đỉnh đầu.

Địch công tiếp tục cho khai quật mộ, đưa quan tài tới giữa công đường để tìm chứng cứ. Cuối cùng đã phát hiện ra chiếc đinh đóng vào đỉnh đầu khiến quả phụ kia không thể chối cãi.

Không chỉ là thần thám nổi tiếng trong lịch sử và tiểu thuyết, mà trên màn ảnh loạt phim về Địch Nhân Kiệt cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Các phim như Địch Nhân Kiệt: Thông thiên đế quốc được công chiếu vào năm 2010, Địch Nhân Kiệt: Rồng biển trỗi dậy ra mắt năm 2013 và Địch Nhân Kiệt: Tứ đại Thiên vương công chiếu năm 2018… đã thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Quốc Tiệp (t/h)