Đời sống

Vô tình giẫm phải rắn lục đuôi đỏ, nam sinh được cấp cứu kịp thời

Nam sinh 14 tuổi ở Bến Tre vô tình giẫm phải rắn lục đuôi đỏ và được đưa đi cấp cứu với bàn chân phải sưng phù, vết thương chảy máu không ngừng.

Zing đưa tinBác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Tp.Hồ Chí Minh), vừa cho biết rạng sáng 26/8, khoa Cấp cứu của đơn vị này tiếp nhận bệnh nhi L.H.A.D. (nam, 14 tuổi, ngụ tại Bến Tre) bị rối loạn đông máu nặng do rắn lục đuôi đỏ cắn.

Gia đình chia sẻ tối cùng ngày, em D. vô tình giẫm lên rắn lục đuôi đỏ và bị con vật cắn vào ngón chân phải. Người nhà dùng gạc cầm máu tại vết thương và đưa em đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cùng với xác rắn.

Các bác sĩ trực khoa Cấp cứu ghi nhận bàn chân phải của bệnh nhi D. sưng bầm lan lên cổ chân, vết rắn cắn ở ngón chân út chảy máu thấm gạc. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có biểu hiện rối loạn đông máu nặng.

Gia đình mang theo con rắn cắn em D. nên các bác sĩ chẩn đoán nam sinh bị rắn lục đuôi đỏ cắn và xử trí truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu cho bệnh nhi. Sau 6 giờ truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng bệnh nhân có cải thiện.

Các bác sĩ cảnh báo, trường hợp bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, bệnh nhân cần được xử trí và theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất trong 12 giờ đầu. Sau 24-48 giờ gặp nạn, việc điều trị cho nạn nhân rất khó khăn hoặc không hiệu quả nếu là rắn độc cắn.

Cách xử trí an toàn khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, rắn lục đuôi đỏ thuộc họ Rắn lục (Viperidae) giống Cryptelytrops. Họ Rắn lục có nhiều giống và loài khác nhau nhưng có chung độc tính là gây rối loạn đông máu, chảy máu.

Theo Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, rắn lục đuôi đỏ cắn có thể gây tử vong nhanh chóng (do sốc phản vệ) hoặc để lại di chứng nặng nề.

Khi bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn cần phải được theo dõi sát tại khoa Cấp cứu hoặc khoa Hồi sức chống độc và nếu có kèm rối loạn đông máu thì bệnh nhân phải được điều trị ở nơi có có khả năng truyền máu (và các chế phẩm máu) cũng như có huyết thanh kháng nọc rắn lục.

Rắn lục đuôi đỏ rất độc. Ảnh: Internet.


Những nguy hiểm bệnh nhân có thể gặp phải khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

+ Tại vết cắn: Có dấu móc độc biểu hiện có 2 dấu răng cách nhau khoảng 1 cm.

Vài phút sau khi bị cắn sưng nề nhanh, đau nhức nhiều kèm theo tại chỗ cắn máu chảy liên tục không tự cầm.

Khoảng 6 giờ sau phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, chảy máu trong cơ hoại tử cơ.

+ Do nọc độc của rắn làm rối loạn đông máu gây chảy máu chân răng, chảy máu tiêu hóa, chảy máu não chảy máu phổi, tiết niệu...

+ Bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu:

- Có thể có sốc phản vệ do nọc rắn.

- Có thể có suy thận cấp.

Khi bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn cần bình tĩnh làm như sau:

+ Không nên đi lại, gọi người hỗ trợ.

+ Rửa vết cắn bằng nước sạch hoặc nước xà bông.

+ Băng ép tại chỗ cắn trở lên gốc chi bằng băng thun, khăn quần áo, bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

+ Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

+ Chuyển bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Những việc không nên làm khi bị rắn cắn:

+ Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: các biện pháp này không có lợi ích, gây hại thêm cho bệnh nhân (tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh,...nhiễm trùng nặng thêm).

+ Hút nọc độc: Không có lợi ích.

+ Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo: Không có ích lợi, khi đắp có thể gây nhiễm trùng, khi uống có thể gây hại cho nạn nhân.

+ Không cố gắng bắt hoặc giết rắn.

Lưu ý: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với bệnh nhân đến bệnh viện để nhận dạng.

Để phòng ngừa rắn độc cắn, người dân nên thực hiện các biện pháp sau:

- Phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà. Trồng xả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn có thể và nên áp dụng nhất là ở những vùng có nhiều rắn.

- Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.

Trúc Chi (t/h)