Dân sinh

Vỡ hồ chứa nước gây thiệt hại lớn cho dân ở Đắk Nông: Chủ hồ nói gì?

Bất ngờ xảy ra vụ vỡ hồ chứa nước khiến hàng chục hộ dân chết lặng nhìn tài sản bị cuốn trôi, chủ hồ thỏa thuận bồi thường 70% thiệt hại cho người dân.

Người dân bất lực nhìn tài sản bị cuốn trôi

Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã có báo cáo về vụ vỡ hồ chứa nước của gia đình ông Đinh Xuân Thu (trú tại thôn 10, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song) gây thiệt hại tài sản cho một số hộ dân.

Nội dung báo cáo cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ trong hai ngày 15 và 16/7 kéo dài trên địa bàn xã Nâm N’Jang nên lượng nước từ thượng nguồn chảy về nhiều tại hồ chứa nước của hộ gia đình ông Đinh Xuân Thu (trú tại thôn 10, xã Nâm N’Jang), làm mực nước dâng cao và gây sạt lở lớn trên diện rộng. Hậu quả, vụ sạt lở đã gây thiệt hại tài sản của 13 hộ gia đình phía hạ du.

Hồ chứa nước của ông Đinh Xuân Thu.

Cũng theo báo cáo, đến thời điểm hiện tại, UBND xã Nâm N’Jang đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương tiến hành thống kê sơ bộ về số tài sản, cây cối, hoa màu và đàn vật nuôi của 13 hộ gia đình bị thiệt hại với tổng số tiền 547 triệu đồng (số liệu ước tính đến 14h ngày 17/7 về gia cầm chết và một số tài sản).

Là một trong những hộ dân bị thiệt hại nặng nhất sau vụ sạt lở hồ chứa nước nói trên, ông Lưu Hữu Thảo (chủ một trang trại gà tại thôn 9, xã Nâm N’Jang) cho biết: “Hôm đó, vào khoảng 13h20’ ngày 16/7, người dân tại khu vực thôn 9, xã Nâm N’Jang bất ngờ phát hiện nước ở phía trên tràn về rất nhanh. Do đó, các hộ dân không kịp trở tay, chết lặng đứng nhìn hàng ngàn con gà trong trang trại bị dòng nước cuốn trôi”.

Hàng nghìn con gà của người dân bị chết, cuốn trôi sau vụ vỡ hồ chứa nước.

Cũng theo ông Thảo, trang trại của ông có tổng cộng 10.500 con gà, cách hồ chứa nước vị sạt lở khoảng 1km. Tuy nhiên, sau vụ sạt lở hồ chứa nước, có 7.500 con gà (trong đó có 5.500 con gà nhỏ và 2.000 con gà to chuẩn bị đến ngày xuất chuồng) trong trang trại của ông bị nước cuốn trôi, với tổng giá trị khoảng hơn 418 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị, máy móc phục vụ chăn nuôi cũng bị thất lạc, hư hỏng.

“Toàn bộ tài sản, nguồn thu nhập của gia đình tôi đều phụ thuộc vào trang trại gà. Để nuôi hơn 10.000 con gà, gia đình tôi phải ứng trước nguồn vật tư và con giống của đại lý, đến khi nào xuất chuồng mới thanh toán số tiền đầu tư này. Do đó, vụ việc xảy ra đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Sau khi được chính quyền địa phương mời lên làm việc, ông Thu thống nhất bồi thường 70% tài sản thiệt hại của mỗi hộ dân. Đồng thời, sẽ tiến hành sửa chữa các đoạn đường bị sạt lở để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân” – ông Thảo nói.

Nước tràn xuống khu vực hạ du sau vụ vỡ hồ.

Cách trang trại của ông Thảo vài chục mét, bà Nguyễn Thị Ry (SN 1968) cũng bị thiệt hại gần 2.000 con gà sau vụ sạt lở. Chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ việc, bà Ry cho hay: “Vào thời xảy ra vụ việc, tôi đi làm về cách nhà khoảng 30m thì bất ngờ thấy nước ở phía trên chảy cuồn cuộn xuống, dâng lên và ngập lên tường nhà của tôi khoảng gần 1m. Lúc đó, tôi cố gắng tìm cách chạy về nhà để cứu trại gà hàng ngàn con của mình. Thế nhưng, do nước quá lớn lại chảy xiết, tôi chỉ biết bất lực nhìn dòng nước chảy và bật khóc khi đàn gà của mình bị cuốn đi”.

Theo thống kê, hộ bà Ry có 1.852 con gà bị chết và trôi sau vụ sạt lở, tổng giá trị thiệt hại là hơn 120 triệu đồng. Bên cạnh đó, 100 trụ tiêu bị bùn vùi lấp, nhiều máy móc, thiết bị bị hư hỏng.

Một đoạn đường bị sạt lở sau vụ việc.

Ngay bên cạnh nhà bà Ry, gia đình ông Nguyễn Thành Hưng (nuôi gà tại thôn 9, xã Nâm N’Jang) cũng bị thiệt hại 400 con gà (khoảng 2,5kg/con) trị giá khoảng 70 triệu đồng, một chuồng gà bị cuốn trôi, chuồng vịt bị hư hỏng.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, ông Hưng không khỏi lo lắng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường sau vụ việc. Bởi gia đình ông và người dân nơi đây đã dùng vôi, dọn rửa xung quanh nhưng mùi hôi vẫn còn vì xác gà trôi khắp nơi, không thể vớt hết được.

Chủ hồ chứa nước lên tiếng

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song, nguyên nhân ban đầu dẫn đến gây thiệt về tài sản, cây cối, hoa màu và vật nuôi của người dân là việc hộ gia đình ông Đinh Xuân Thu tự ý đắp hồ chứa nước để phục vụ nước tưới và sản xuất mà không xin ý kiến của các cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 dẫn đến lượng mưa lớn tập trung. Đồng thời, các hộ gia đình sinh sống ở vùng trũng thấp, gần khe suối.

Chuồng gà của một hộ dân bị cuốn trôi xuống ao.

Ông Đinh Xuân Thu, chủ hồ chứa nước bị vỡ cho biết, đây là sự cố không mong muốn, do ảnh hưởng của mưa bão, lượng nước quá lớn trên thượng nguồn tràn về. Tuy nhiên, rất may mắn là không có vấn đề gì về con người. “Hiện tại, tôi đang rất khó khăn vì sản xuất nông nghiệp thất bại nhưng sau khi sự việc xảy ra, tôi đã thỏa thuận sẽ hỗ trợ cho người dân 70% thiệt hại. Tổng số tiền bồi thường là 506 triệu đồng” – ông Thu nói.

Ông Thu cho biết, mục đích của việc đắp hồ đập là để xả phèn, khử khuẩn đất nhằm phục vụ nông nghiệp. Trước khi đắp đập (đầu năm 2023), ông có xin phép, đồng thời có lập phương án cải tạo đất và gửi cho UBND xã cách đây cả năm. Sau đó, xã đã chuyển hồ sơ lên huyện. Trong thời gian chờ cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt, ông đã tự làm, sửa chữa, đắp đập và gia cố rất chắc chắn. Do đó, ông Thu cho rằng, sự cố vừa qua là không ai mong muốn.

Theo ông Nguyễn Thành Hưng, thời điểm xảy ra vụ việc, nước chảy xuống hạ du rất lớn khiến người dân không kịp trở tay.

“Sau sự việc xảy ra, tôi kiến nghị chính quyền nghiên cứu, cần có phương án đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du trước những biến đổi khí hậu. Bởi khu vực đó rất trũng, đầm sình, sát khe suối tiềm ẩn nhiều nguy hiểm…” – ông Thu chia sẻ.

Một đoạn móng chuồng gà của gia đình ông Lưu Hữu Thảo bị hư hỏng.

Móng chuồng gà của nhà ông Hưng bị sập.

Sau khi nước ngập vào, bà Nguyễn Thị Ry không dám sử dụng tủ lạnh.

Người dân đang nỗ lực khắc phục, xử lý chuồng trại chăn nuôi sau vụ việc. 

Để sớm khắc phục tình trạng bị ảnh hưởng do mưa lũ xảy ra như trên và đảm bảo đời sống cho nhân dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song kiến nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã Nâm N’Jang tiến hành phối hợp với các phòng, ban có liên quan thống kê và đánh giá mức độ thiệt hại đối với toàn bộ các loại cây trồng, vật nuôi của người dân đã bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các phòng, ban có liên quan xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho người dân. Đồng thời, tổng hợp tham mưu báo cáo UBND huyện có hướng xử lý và chỉ đạo khắc phục hậu quả kịp thời cho nhân dân.

Khánh Ngọc