Thế giới

Vỏ chuối, xương gà và thức ăn thừa không còn xuất hiện trong thùng rác tại California

Thức ăn thừa và vật liệu hữu cơ khác khi phân hủy sẽ thải ra khí mê-tan, một loại khí gây tác động lớn đến hiệu ứng nhà kính.

Vỏ chuối, xương gà và rau thừa sẽ không còn xuất hiện trong các thùng rác ở bang California từ tháng 1 năm sau khi chương trình tái chế rác thải thực phẩm dân cư bắt buộc mới tại bang này có hiệu lực. 

Theo hãng tin AP thứ Năm (9/12), đây là một phần trong những nỗ lực của giới chức tại bang đông dân nhất nước Mỹ nhằm hạn chế sự phân hủy rác thải thực phẩm ở các bãi rác gây ô nhiễm khí quyển.

Các thức ăn thừa và vật liệu hữu cơ khác khi phân hủy sẽ thải ra khí mê-tan, một loại khí mặc dù tồn tại trong khí quyển với thời gian ngắn hơn nhiều so với khí cacbonic từ nhiên liệu hoá thạch, nhưng xét về mặt hiệu ứng nhà kính thì nó mạnh hơn nhiều.

Chương trình mới tại bang California phản ánh sự quan ngại ngày càng tăng về việc rác thải thực phẩm gây hủy hoại môi trường trên khắp đất nước. Được biết, tại Mỹ, có tới khoảng 40% thực phẩm bị lãng phí hàng năm. 

Để hạn chế sự phát thải khí mê-tan đó, bang California đã lên kế hoạch chuyển hóa chất thải thực phẩm của cư dân trở thành phân trộn hoặc năng lượng. Trên thực tế, vào năm ngoái bang Vermont miền đông bắc nước Mỹ, nơi sinh sống của 625.000 cư dân so với dân số gần 40 triệu của bang California, đã triển khai một chương trình môi trường tương tự. Theo luật có hiệu lực vào tháng 7/2020, người dân Vermont, có thể tận dụng rác làm phân hữu cơ ngay trong sân nhà hoặc bỏ ở các trạm rác lề đường.

Theo kế hoạch mới, các cư dân bang California được yêu cầu cho thức ăn thừa vào các thùng rác màu xanh lá cây. Chất thải thực phẩm sau đó sẽ được chuyển hóa thành phân trộn hoặc sử dụng để tạo ra khí sinh học (biogas), một nguồn năng lượng sạch có thể sử dụng như khí gas tự nhiên trong nhiều trường hợp.

Ông Rachel Wagoner, Giám đốc Sở Tái chế và Phục hồi Tài nguyên California (CalRecycle), cho biết: “Đây là sự thay đổi lớn nhất về rác thải kể từ khi hoạt động tái chế khởi động từ những năm 1980”. Bà nhận định rằng đây "là điều dễ dàng và nhanh chóng nhất mà mỗi cá nhân có thể làm để giảm thiểu biến đổi khí hậu".

Nhà máy điện hạt nhân Diablo Canyon của tập đoàn PG&E tại bang California. Ảnh: Getty Images.

Một số quốc gia, trong đó có Pháp, đã thông qua luật yêu cầu các doanh nghiệp lớn và cửa hàng khác thực hiện tái chế hoặc quyên góp thực phẩm thừa cho các tổ chức từ thiện. Nhưng chương trình lần này tại bang California ngoài các doanh nghiệp còn nhắm tới cả đối tượng là hộ gia đình. Theo CalRecycle, rác thải hữu cơ như thực phẩm và rác trong vườn chiếm khoảng một nửa lượng rác thải và chiếm một phần năm lượng khí mê-tan phát thải của bang California.

Giới chức California đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm 75% chất thải hữu cơ trong các bãi chôn lấp so với mức của năm 2014, tương đương giảm từ khoảng 23 triệu tấn xuống còn 5,7 triệu tấn. Ngoài ra, đến năm 2025, 20% thực phẩm lãng phí của bang thay vì bị chuyển đến các bãi rác thì sẽ đến với những người có nhu cầu và phải cắt giảm 50% lượng chất thải thực phẩm vào năm 2030. Các siêu thị phải bắt đầu quyên góp thực phẩm thừa từ tháng 1/2022 trong khi quy định mới được áp dụng tại khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học, các địa điểm tổ chức sự kiện lớn vào năm 2024. 

Ken Prue, phó giám đốc bộ phận dịch vụ môi trường của thành phố San Diego (thuộc bang California), cho biết thành phố đã chi gần 9 triệu USD trong ngân sách năm nay để trang bị thêm thùng rác và xe tải vận chuyển. Ken Prue hy vọng người dân thành phố San Diego sẽ nhanh chóng nhận thức được tầm quan trọng của việc tái chế rác thải thực phẩm

Hà Thanh (theo AP, The Guardian)