Tài chính - Ngân hàng

VN-Index vẫn bật tăng nhẹ sau tin lãnh đạo UBCKNN bị kỷ luật

VN-Index tăng 0,88 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ 3 liên tiếp với đà tăng của nhóm dầu khí, hóa chất. Tuy nhiên thanh khoản của thị trường vẫn chưa được cải thiện.

Sau 2 phiên chứng khoán tăng tích cực, đến hôm nay (19/5), ngay mở cửa phiên giao dịch, các chỉ số đã chìm trong sắc đỏ trước áp lực bán mạnh ở hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu.

Những tin tức tiêu cực liên quan đến kỷ luật loạt lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hôm 18/5 và đà rơi trên thị trường quốc tế đã khiến tâm lý nhà đầu tư dao động lớn, áp lực bán tháo xuất hiện ở nhóm cổ phiếu lớn và dần lan ra các nhóm ngành khác.

VN-Index chỉ ngay sau phiên mở cửa ATC kết thúc đã lao dốc hơn 29 điểm, tương ứng 2,35% về mốc 1.211,64 điểm. Sàn có gần 300 mã giảm giá và chỉ 17 mã tăng giá. Tại các sàn Hà Nội là HNX và UPCoM, các chỉ số cũng diễn biến tương tự khi giảm mạnh.

Tuy nhiên, chỉ 30 phút sau, đà giảm được thu hẹp lại đáng kể khi lực cầu xuất hiện mạnh. Trong đó các mã thuộc nhóm ngân hàng, dầu khí, thực phẩm như SHB, MSN, STB, PVS, PVD... đều tăng giá tốt. MSN và STB là điểm sáng lớn nhất cho đến 9h45 phút khi là 2 mã trụ đỡ của thị trường, giúp VN-Index thu hẹp mức giảm còn 16 điểm.

Tính đến 11h sáng, lực cầu dâng cao đã kéo hàng loạt cổ phiếu lớn bứt phá, sắc xanh dần xuất hiện trên thị trường. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index ghi nhận mức giảm nhẹ 3,16 điểm.

Cổ phiếu nhóm ngân hàng diễn biến trái chiều trong phiên ngày 19/5. (Ảnh: SSI)

Thị trường mở cửa phiên chiều giằng co, có thời điểm độ rộng thị trường nghiêng về bên bán xong dòng tiền lại đổ về khiến bên mua chiếm ưu thế. Phiên 19/5 cũng là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 5, do đó nhiều ý kiến trên các diễn đàn chứng khoán cho rằng thị trường có thể xảy ra biến động mạnh về cuối phiên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biến động chỉ xảy ra vào đầu phiên sáng.

Kết phiên giao dịch ngày 19/5, VN-Index tăng nhẹ 0,88 điểm, tương ứng 0,07% lên mức 1.241,64 điểm và kéo dài chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp. Trong khi đó HNX-Index vẫn còn giảm nhẹ 1,82 điểm, tương ứng 0,59% về 308,02 điểm.

Còn tại nhóm cổ phiếu trụ VN30, chỉ số đại diện nhóm này lại giảm hơn 2 điểm. Nhóm này có tới 18 mã giảm giá, 4 mã đứng giá và 8 mã tăng.

MSN là mã thuộc nhóm VN30 tác động tích cực nhất đến VN-Index khi tím trần. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của mã này sau quãng thời gian giảm mạnh.

Một loạt cổ phiếu ngân hàng đóng góp vào việc kìm đà rơi của chỉ số chung như SHB, OCB, VCB… Một số mã ngân hàng khác tăng tích cực là MBB, HDB… song nhóm này vẫn chưa xác định dấu hiệu đi lên, nhiều mã ngân hàng vẫn giảm điểm và tác động tiêu cực tới chỉ số chung là TCB, TPB, BID, VPB, VIB, NAB, CTG, ABB…

Cổ phiếu dầu khí cũng là nhóm bứt phá mạnh phiên ngày 19/5 với PVD tăng trần, BRS, OIL, PVB, PVC, PVS… cũng giao dịch tích cực suốt cả phiên và kết phiên trong sắc xanh.

Tại nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất, DGC tăng gần 6%, DCM tăng 5%, DPM tăng hơn 2%, VAF tăng 4,4%, CSV tăng 3,6%, BFC cũng tăng 1,5%...

Các cổ phiếu được khối ngoại giao dịch mạnh nhất. (Ảnh: FireAnt)

VGC của Viglacera hôm nay cũng tăng trần ấn tượng. Bên cạnh đó, một số mã cũng tăng trần có thể kể đến là SGT của Sagontel, GEG của Điện Gia Lai, PVD của PV Drilling, BSI của Chứng khoán BIDV, MAC của Kỹ thuật hàng hải, GEG của Điện Gia Lai.

Chiều ngược lại, nhiều mã đầu cơ thuộc nhóm FLC, Nhựa Đồng Nai… vẫn giảm điểm. DXG của Đất Xanh cũng giảm 4,4%...

Khối ngoại phiên ngày 19/5 giải ngân 1.651 tỷ đồng nhưng lại bán ra 1.693 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng 132 tỷ đồng. HPG sau 2 phiên được mua mạnh hôm nay bị bán ra 135 tỷ đồng. SSI cũng bị bán 81 tỷ đồng, VIC bị bán 46 tỷ đồng, CTG 33 tỷ đồng. Một số mã được mua mạnh hôm nay là MSN 67 tỷ đồng, DCM 46,9 tỷ đồng.

Chốt phiên ngày 19/5, VN-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 496,732 triệu đơn vị, tương ứng hơn 12.795 tỷ đồng. Sàn HNX khối lượng giao dịch đạt 74,511 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.626 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch thấp của thị trường chứng khoán, dù 3 phiên gần đây chỉ số chung bật tăng song thanh khoản vẫn chưa được cải thiện.