Tài chính - Ngân hàng

VN-Index có thể đạt 1.560 điểm trong tháng 3/2022

Việc đẩy nhanh tốc độ mở cửa ngành hàng không, du lịch; xu hướng tăng trưởng lợi nhuận vào mùa họp đại hội cổ đông thường niên sắp tới sẽ giúp chỉ số VN-Index tăng.

VNDirect vừa đưa ra báo cáo chiến lược tháng 3/2022 với những tín hiệu tích cực với thị trường chứng khoán. Theo VNDirect, thị trường chứng khoán Việt Nam ít bị ảnh hưởng trong những thời điểm diễn ra chiến sự và xung đột địa chính trị. Do đó, bất kỳ sự điều chỉnh nào cũng có thể tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt.

Giá thị giao dịch tháng 2 đạt 25.956 tỷ đồng/phiên

Điểm lại các chỉ số chứng khoán trong tháng 2, VNDirect chỉ ra chỉ số VN-Index giảm xuống mức thấp nhất 1.472,0 điểm (-0,5% so với đầu tháng) vào ngày 14/2 do căng thẳng địa chính trị ở Ukraine. Tuy nhiên, VN-Index đã sớm tăng trở lại trong nửa cuối tháng do Việt Nam tăng tốc mở cửa trở lại ngành hàng không và du lịch. Bên cạnh đó, Chính phủ giảm thuế VAT xuống 8% và tăng tốc đầu tư công. 

Giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn trong tháng 2/2022 đạt khoảng 25.956 tỷ đồng/phiên - giảm 22,4% so với tháng trước nhưng tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân phiên trên sàn HoSE giảm xuống còn 22.308 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm 21,1% so với tháng trước và giá trị giao dịch bình quân trên HNX giảm xuống còn 2.248 tỷ đồng/phiên, giảm 29,1% so với tháng trước. Đồng thời, thanh khoản trên sàn UPCoM cũng giảm 30,7% so với tháng trước xuống còn 1.399 tỷ đồng/phiên.  

VNDirect chỉ ra thanh khoản giảm khi các nhà đầu tư lo lắng về căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và FED bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngoài ra, hoạt động đầu cơ đã bị thu hẹp đáng kể trong bối cảnh thị trường biến động trong biên độ hẹp.

Tăng trưởng của các chỉ số ngành trong tháng 2/2022. (Ảnh: Fiinpro, VNDirect)

Tiền rút khỏi các cổ phiếu vốn hóa trung bình nhiều nhất trong tháng 2. Giá trị giao dịch bình quân của VNMID (đại diện cho vốn hóa trung bình) giảm 19,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, VNMID vẫn ghi nhận mức tăng 4,8% trong tháng 2 (số liệu ngày 22/02/2022). Đồng thời, dòng tiền cũng rút khỏi nhóm vốn hóa lớn và vốn hóa nhỏ trong tháng 2 với thanh khoản bình quân giảm lần lượt 10,2% và 15,6% so với tháng trước.  

Mặc dù giá trị giao dịch bình quân của VNSML giảm 15,6% sv tháng trước, VNSML Index (đại diện cho vốn hóa nhỏ) vẫn ghi nhận mức tăng 11,8% trong tháng 2, sau khi chứng kiến sự điều chỉnh mạnh 14,8% trong tháng 1. 

Khối ngoại đã mua ròng 672 tỷ đồng trên 3 sàn trong tháng 2/2022 (số liệu ngày 22/02/2022), sau khi bán ròng 2.692 tỷ đồng trong tháng trước. Tính từ đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2.020 tỷ đồng.

3 cơ hội cho thị trường chứng khoán

VNDirect chỉ ra 3 cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 3/2022.

Thứ nhất, Việt Nam đẩy nhanh tốc độ mở cửa trở lại ngành hàng không và du lịch. Theo Cục Hàng không Việt Nam, kể từ 15/2/2022, Việt Nam chính thức dỡ bỏ những hạn chế về tần suất các chuyến bay quốc tế thường lệ.

Ngày 16/02/2022, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam liên quan tới việc mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế và dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại kể từ ngày 15/03. 

Ngoài ra, kể từ quý II/2022, Việt Nam mở cửa hoàn toàn với du lịch quốc tế. "Đây sẽ trở thành động lực cho sự phục hồi mạnh mẽ hơn của ngành Dịch vụ nói riêng và tổng thể nền kinh tế nói chung" - VNDirect nhận định. Ngành du lịch đặt mục tiêu đón 65 triệu khách năm 2022, trong đó du khách quốc tế là 5 triệu (từ mức gần bằng 0 trong năm 2021) và du khách nội địa là 60 triệu. Theo Tổng cục Du lịch, tổng nguồn thu từ du khách năm 2022 ước tính đạt 400.000 tỷ đồng.

Lượng truy cập tìm kiếm trên toàn cầu về du lịch và hàng không Việt Nam vẫn ở mức rất cao trong 2 tháng đầu năm 2022.

Thứ 2, nhà đầu tư đón đầu xu hướng tăng trưởng lợi nhuận khi mùa họp đại hội cổ đông thường niên sắp diễn ra.

Theo VNDirect, nhờ chính sách nới lỏng giãn cách xã hội kể từ tháng 10/2021, ngành công nghiệp vận tải, sản xuất thực phẩm và bán lẻ đã đạt được mức tăng trưởng mạnh trong doanh thu quý IV/2021. Mặt khác, ngành điện chứng kiến sự giảm sút mạnh của lợi nhuận trong quý IV/2021 với mức tăng trưởng âm 35,8% so với cùng kỳ do lượng tiêu thụ điện năng giảm và giá đầu vào cao hơn. Ngành bất động sản lại ghi nhận sự sụt giảm của lợi nhuận.

"Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết trên HoSE sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 23% so với cùng kỳ năm trước" - báo cáo của VNDirect cho hay. VNDirect cho rằng một số ngành có thể có cải thiện mạnh về lợi nhuận, gồm hàng hóa công nghiệp và dịch vụ, bán lẻ và bất động sản trong khi tăng trưởng lợi nhuận của dầu khí, tiện ích công cộng và công nghệ vẫn duy trì ở mức cao. 

Tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 bệ phóng vững chắc cho VN-Index.

Cuối cùng, VNDirect cho rằng thị trường chứng khoán điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu nắm giữ trung hạn trong vòng 3-12 tháng tới. 

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng lưu ý những rủi ro đi xuống tiềm ẩn đối với thị trường, gồm việc Fed cắt giảm chính sách lãi suất mạnh hơn dự kiến và căng thẳng Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng VN-Index có thể giao dịch trong khoảng 1.460-1.560 điểm trong tháng 3/2022" - báo cáo của VNDiect nêu rõ.