Hồ sơ điều tra

VKSND TP.HCM ủng hộ Vinasun, GrabTaxi đứng trước nguy cơ thua kiện?

Đại diện VKSND TP.HCM nhận định có mối quan hệ nhân quả giữa các vi phạm của GrabTaxi khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm, nên đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của Vinasun, tuyên GrabTaxi phải bồi thường trên 41,2 tỷ đồng cho Vinasun.

Hôm qua (23/10), tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) tiếp tục xét xử vụ án Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi).

Hai đại diện nguyên đơn (trái) và bị đơn tại tòa.

Trong các phiên tòa trước đó, đại diện Vinasun tố GrabTaxi đã đánh tráo khái niệm, ngụy biện mô hình kinh doanh, lách luật, trốn thuế, vi phạm Đề án 24 của bộ Giao thông vận tải, khuyến mãi tràn lan…

Những sai phạm này có mối quan hệ nhân quả, là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun trong năm 2016 và quý 1/2017 sụt giảm, thiệt hại trên 41,2 tỷ đồng. Từ đó, Vinasun kiện yêu cầu GrabTaxi phải có trách nhiệm bồi thường.

Trong khi đó, GrabTaxi khẳng định mình không sai khi tuân thủ pháp luật Việt Nam. Không hề vi phạm Đề án 24, không kinh doanh vận tải taxi mà chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối. CEO Grab tại Việt Nam cũng tố Vinasun có hàng hoạt sai phạm và khuyên Vinasun “nên nhìn lại mình trước khi kiện đối thủ cạnh tranh” để góp phần nhiều hơn nữa vào cuộc cách mạng 4.0 mà Việt Nam đang hướng đến.

Đến chiều 23/10, đại diện VKSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm giải quyết vụ án. Theo VKS, GrabTaxi đã mạo nhận là công ty công nghệ để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Grab chỉ được cung cấp phần mềm kết nối chứ không được kinh doanh dịch vụ vận tải taxi, nhưng trên thực tế Grab đã kinh doanh dịch vụ này.

Theo đại diện VKSND TP.HCM, xét tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, do có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 8 Bộ luật Dân sự (BLDS) và Điều 14 BLDS về việc bảo vệ quyền dân sự thì nguyên đơn có quyền khởi kiện vụ án này và thẩm quyền giải quyết vụ án thuộc về tòa Kinh tế (TAND TP.HCM).

Về yêu cầu của GrabTaxi đề nghị giám định lại thiệt hại vì sợ kết quả giám định không khách quan, đại diện VKS cho rằng không cần thiết.

“GrabTaxi khẳng định chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải, nhưng trên thực tế Grab đã lợi dụng Đề án 24 để điều hành vận tải taxi, có hành vi xác định giá cước, tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày, tăng giảm chiết khấu, mua bảo hiểm dân sự tự nguyện cho hành khách, thưởng phạt,… trong khi đây là các hành vi trái với đăng ký kinh doanh, trái pháp luật mà Grab không được phép làm”, đại diện VKS nói.

Từ nhận định này, VKSND TP.HCM khẳng định, đủ cơ sở xác định GrabTaxi kinh doanh dịch vụ vận tải taxi, vi phạm về khuyến mãi, vi phạm Đề án 24… và là nguyên nhân khiến Vinasun thiệt hại.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường một lần cho Vinasun 41,2 tỷ đồng.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX nhận định đây là vụ án phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu kỹ nên quyết định nghị án kéo dài. Tòa sẽ tuyên án vào 14h ngày 29/10 tới.

Trao đổi với báo chí sau phiên tòa, CEO Grab Việt Nam nói, ông rất thất vọng về đề nghị của VKS, nhưng ông cũng hy vọng tòa án sẽ công minh, đưa ra phán quyết vì lợi ích tất cả người dân Việt Nam chứ không phải vì một cá nhân kinh doanh nào.

CEO Grab Việt Nam cũng khẳng định, cho dù phán quyết của tòa án có như thế nào đi chăng nữa thì Grab vẫn luôn cam kết rằng đầu tư tại Việt Nam để phát triển xã hội vì người dân.