Đời sống

Virus Zika nguy hiểm thế nào?

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu mang tên virus Zika với mức độ nguy hiểm và tốc độ lây lan chóng mặt đã xuất hiện trên 61 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới.

"Tình trạng khẩn cấp toàn cầu" là cụm từ được sử dụng để nói về những dịch bệnh nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh chóng tới nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới và yêu cầu có sự chung tay trong công cuộc ngăn ngừa dịch bệnh.

Trước Zika, WHO đã từng 3 lần ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, bao gồm 2 lần về dịch cúm H1N1 vào năm 2009 và năm 2014 cùng 1 lần về dịch bệnh Ebola vào tháng 8/2014.

Bắt đầu từ tháng 2/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá virus Zika cũng nguy hiểm và nghiêm trọng như dịch Ebola đã từng cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người tại Tây Phi và bắt đầu thông báo Tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Virus Zika là gì?

Zika là một loại virus lây truyền qua muỗi Aedes – loại muỗi truyền sốt xuất huyết và sốt vàng da. Muỗi Aedes chỉ cần 3 ngày nghỉ ngơi có thể đẻ trứng liên tục, những quả trứng có thể tồn tại lên đến 1 năm mà không cần nước, khi gặp nước sẽ lập tức nở thành ấu trùng.

Ngoài lây truyền qua đường muỗi đốt, virus Zika có thể lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu và đường tình dục. ARN của virus Zika cũng đã được phát hiện có trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ.

Các trường hợp nhiễm virus Zika có thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày. Tuy nhiên, người nhiễm virus Zika hầu hết không biểu hiện triệu chứng, chỉ có khoảng 20% có các biểu hiện nhẹ như sốt, phát ban, đau khớp, viêm kết mạc mắt, số còn lại không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng nên việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn.

2 biến chứng hay gặp nhất ở virus Zika là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm virus trong quá trình mang thai. Tại Brazil đã ghi nhận khoảng 4.000 ca mắc tật đầu nhỏ, trong đó ít nhất 40 trường hợp tử vong. Biến chứng thứ hai là gây hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh Guillain-Barré, gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân, ngứa ran ở tay, chân.

Cách phòng tránh virus

Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vắc xin phòng bệnh do virus Zika. Vì vậy, WHO khuyến cáo phòng bệnh chủ yếu bằng cách hạn chế đi đến vùng lưu hành dịch Zika. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn...

Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diệt muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước, đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy... Người dân sống trong khu vực lưu hành muỗi Aedes cần phòng muỗi đốt bằng bôi hóa chất đuổi muỗi hoặc mặc quần áo dài để tránh bị muối đốt

Người du lịch khi đi đến vùng lưu hành vi rút Zika tự bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt, phụ nữ mang thai nên tư vấn cán bộ y tế trước và sau khi trở về. Phụ nữ đang/sẽ mang thai có khả năng phơi nhiễm nên tư vấn nhân viên y tế để theo dõi thai và dự phòng. Ngoài ra, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm/nghi nhiễm virus Zika.

Theo VOV, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, người mắc bệnh do virus Zika gây nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây sốt, đau cơ, đau mắt, đau đầu và có thể có những biến chứng. Đối với những người bình thường, bệnh không gây nghiêm trọng, có thể tự khỏi trong 6-7 ngày.

Tuy nhiên, khi virus Zika truyền từ mẹ sang con, sẽ gây biến chứng cho trẻ, khiến trẻ bị đầu nhỏ, bại não, trí tuệ kém phát triển. Ông Nga cũng cho biết, khi trẻ bị nhiễm virus Zika sẽ có nguy cơ tử vong sớm.

Cũng theo PGS Nguyễn Huy Nga, việc chẩn đoán virus Zika có thể thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phân lập virus từ mẫu máu. Chẩn đoán bằng phương pháp huyết thanh học có thể khó khăn do virus có thể có phản ứng chéo với các virus khác thuộc họ flavivirut như virus Dengue...

Virus Zika phát hiện đầu tiên ở khỉ vào năm 1947, tại Uganda, thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Đến năm 1959-1960, bệnh được xác định và lan truyền sang người. Năm 2016, bệnh do virus này xuất hiện nhiều trên thế giới, đặc biệt là ở Brazil, đã có hàng nghìn người bị, hàng nghìn trẻ em bị bệnh đầu nhỏ do virus Zika. Tại Việt Nam, cũng xuất hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus này vào năm 2016 và đến nay đã ghi nhận 265 ca mắc, chủ yếu là ở miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.

Để phòng bệnh do virus Zika, PGS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, cách tốt nhất là giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người. Các hoạt động có thể thực hiện bằng sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo (tốt nhất là sáng màu) che các phần của cơ thể càng nhiều càng tốt.

“Những phụ nữ mang thai cần có biện pháp để tránh muỗi đốt, đặc biệt là không nên đến những vùng có muỗi, vùng có dịch Zika; Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên nằm màn, dùng các loại thuốc để đuổi muỗi, tránh muỗi đốt”- ông Nga khuyến cáo.

Trang Dung (t/h)