Tiêu điểm thế giới

Virus corona đã khiến Nga "đoạn tuyệt" liên minh dầu mỏ "chống Mỹ" với Saudi Arabia như thế nào?

Nga và Saudi Arabia vừa đánh dấu cho sự chấm dứt liên minh dầu mỏ vốn là đòn bẩy về kinh tế và chính trị đối trọng với Mỹ trong vài năm qua. Điều gì đã khiến Moscow quyết định điều này?

Liên minh dầu mỏ Nga-Saudi Arabia dường như đã tan vỡ.

Một thỏa thuận dài hạn giữa Saudi Arabia và Nga - hai trong số các cường quốc sản xuất dầu của thế giới - đã đổ bể vào cuối tuần qua, đưa thị trường toàn cầu bước vào một tương lai đầy biến động.

Các nhà phân tích tin rằng nguyên nhân cốt lõi của vấn đề liên quan đến virus corona - hay cụ thể hơn là sự sụt giảm tiêu thụ dầu ở châu Á bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 tại đây.

Vậy điều gì khiến cho liên minh dầu giữa Saudi Arabia và Nga sụp đổ? Hệ quả của nó có nghiêm trọng?

Cuộc chiến giá dầu

Tuần trước, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), một liên minh gồm 15 quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới, đã gặp nhau tại trụ sở của OPEC ở Vienna để thảo luận về những điều cần làm khi tác động của bệnh dịch đã làm giảm nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu.

Nga không phải là một phần của khối, nhưng các quan chức Nga vẫn được mời đến cuộc họp bởi có thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ OPEC +.

Trong cuộc họp này, Saudi Arabia với tư cách lãnh đạo khối đã đề nghị các bên cùng nhau cắt giảm sản lượng dầu khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày, trong đó Nga thực hiện việc cắt giảm khoảng 500.000 thùng mỗi ngày.

Hành động như vậy sẽ giữ giá dầu cao hơn, giúp mang lại nhiều doanh thu lớn hơn cho các quốc gia trong khối có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu thô.

Riyadh coi động thái này là cần thiết vì châu Á, nơi đang bùng phát dịch virus corona - chủ yếu ở Trung Quốc và Hàn Quốc - đã không còn tiêu thụ nhiều dầu mỏ như cách đây vài tháng.

Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu dầu nước ngoài khoảng 20% vào tháng trước. Nhu cầu thấp hơn dẫn đến giảm giá hàng hóa, do đó làm tổn thương lợi nhuận của quốc gia.

Với sự cảnh giác trước đó nhiều tuần, người Nga đã chọn đi ngược lại kế hoạch. Vẫn chưa rõ chính xác vì sao Moscow lại lựa chọn như vậy.

Một số quan điểm cho rằng Nga muốn giá dầu ở mức thấp để làm tổn thương ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ hoặc đang chuẩn bị để thâu tóm một phần lớn hơn nhu cầu dầu của châu Á và toàn cầu vào tay mình.

“Người Nga lo lắng hơn về thị phần và nghĩ rằng họ nên cạnh tranh với Saudi hơn là hợp tác vào thời điểm này”, Emma Ashford, một chuyên gia về hóa dầu tại Viện CATO ở Washington nói với VOX.

Saudi đã không quá coi trọng quyết định của Điện Kremlin và đáp trả bằng cách bắt đầu cuộc chiến giá cả với Nga. Động thái của quốc gia Ả Rập đã khiến giá dầu giảm khoảng 11 USD, xuống còn 35 USD/thùng – mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991.

Saudi muốn giành phần còn lại của nhu cầu dầu ở châu Á bằng cách bán một sản phẩm rẻ hơn, nhờ chi phí sản xuất thấp hơn. Nhưng có một nhược điểm lớn: Giá dầu trên toàn cầu là một. Nếu Saudi giảm giá, giá dầu ở các nơi khác cũng sẽ giảm theo.

Doanh thu thấp đồng nghĩa với việc các công ty năng lượng toàn cầu - bao gồm các công ty sản xuất dầu đá phiến nhỏ hơn ở Texas và Dakotas của Mỹ - kiếm được ít lợi nhuận hơn. Chỉ số chứng khoán cũng bước vào ngày u tối.

Tổng thống Donald Trump không hài lòng với tin tức này, bởi một nền kinh tế đang trở lại đà phát triển và một thị trường chứng khoán mạnh là một trong những điều kiện tốt nhất giúp ông tái tranh cử vào tháng 11.

Nhưng ông cũng có lý do để vui mừng khi giá dầu thấp hơn đồng nghĩa với giá xăng thấp hơn cho người tiêu dùng, một yếu tố cũng có thể giúp ông củng cố cơ hội tái đắc cử.

Rất ít chuyên gia có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, đặc biệt là khi chưa rõ những tác động sắp tới của virus corona đối với nền kinh tế toàn cầu như thế nào.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là sự suy giảm nhu cầu dầu trong dài hạn đã phá vỡ liên minh dầu mỏ của Saudi Arabia và hậu quả sẽ được cảm nhận ở khắp mọi nơi, kể cả ở Mỹ.

Vì sao liên minh Nga-Saudi Arabia sụp đổ?

Mỹ đang là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

Năm 2014, cuộc cách mạng về năng lượng đá phiến ở Mỹ bùng nổ. Dầu đá phiến đã trở thành mặt hàng chủ lực chiếm được một phần lớn thị trường dầu mỏ toàn cầu. Chỉ trong bảy năm, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng lên hơn 4 triệu thùng mỗi ngày từ khoảng 0,4 triệu thùng mỗi ngày.

Sự gia tăng đáng kinh ngạc đó đã hoàn toàn thúc đẩy kinh tế của Mỹ vốn nhiều năm chủ yếu nhập khẩu năng lượng. Thay vì mua dầu từ Saudi và Nga, Mỹ giờ đã trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ.

“Trong vòng 50 năm tới, chúng ta có thể hy vọng sẽ gặt hái được những lợi ích của cuộc cách mạng dầu đá phiến”, giáo sư Harold Hamm, người tiên phong trong việc phát triển dầu đá phiến, nói với tờ The Guardian vào thời điểm đó. “Đây là một sự kiện lớn nhất từng xảy ra đối với nước Mỹ”.

Đương nhiên, Saudi và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, không hài lòng.

Saudi thông qua OPEC đã có câu trả lời vào cuối năm đó - không phải bằng cách cắt giảm sản lượng để giữ giá cao hơn, mà bằng cách đổ dầu ngập thị trường.

Với hàng tỷ USD dự trữ ngoại hối, Saudi tin rằng họ có đủ nguồn lực để chấp nhận sự sụt giảm lợi nhuận bước đầu để phục vụ cho mục tiêu dài hạn hơn: giảm giá quá thấp để ngành công nghiệp Mỹ non trẻ sẽ phải tê liệt.

Mặc dù được Saudi gửi lời yêu cầu, Nga đã không thực sự cắt giảm sản lượng của mình - khiến Saudi buộc phải gánh vác gánh nặng.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ vẫn tồn tại và tiếp tục đạt được sự phát triển đáng kể. Kế hoạch của Riyadh đã phản tác dụng. Giữa lúc xuất khẩu của Mỹ ngày càng tăng và trong khi dầu Saudi ngày càng thừa, nguồn cung nhiều hơn cầu và giá tiếp tục giảm mạnh.

Saudi Arabia và Nga đã vượt qua sóng gió bằng cách bán dầu rẻ hơn cho Trung Quốc, quốc gia vốn rất cần dầu thô giá rẻ trong thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2015 và 2016. Điều đó khiến các nhà xuất khẩu dầu lớn ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khách hàng Trung Quốc.

Nhưng vấn đề với sự trỗi dậy của Mỹ vẫn còn đó. Năm 2016, Saudi và Nga đã đồng ý hợp tác để điều phối sản xuất dầu trên thị trường thế giới. “Bản thân mỗi quốc gia đó không thể làm dao động giá dầu toàn cầu. Nhưng họ có thể làm điều đó cùng nhau”, chuyên gia Ashford nói.

Từ năm 2017 đến nay, OPEC do Saudi lãnh đạo đã cắt giảm sản lượng dầu từ 4 đến 5 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này thực sự không mang lại quá nhiều thay đổi vì ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ tiếp tục sản xuất và xuất khẩu dầu vượt bậc.

Hướng đi của OPEC tiếp tục khi Mỹ vượt qua cả Saudi Arabia và Nga với tư cách là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới năm 2018. Nó mang lại cho Washington nhiều quyền lực hơn đối với thị trường năng lượng, cũng như doanh thu trong tương lai so với Riyadh và Moscow.

Tuy nhiên, liên minh Riyadh-Moscow vẫn tiếp tục, vì không có vấn đề lớn nào gây gián đoạn đối với thị trường năng lượng cho đến khi sự bùng phát của virus corona dẫn đến nhu cầu về dầu ở châu Á suy giảm.

Điều đó đã buộc Saudi và Nga lựa chọn: Tiếp tục hiệp ước hoặc tự mình vượt qua khó khăn trong một thị trường cạnh tranh hơn.

Với sự kiện trong tuần vừa qua - Nga tách khỏi hiệp ước và sự trả đũa của Saudi – tất cả đã cho thấy con đường mà mỗi bên đã chọn.