Tiêu dùng & Dư luận

Vĩnh Long: Nhiều sản phẩm “độc, lạ" phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 gần kề, nhiều người dân ở tỉnh Vĩnh Long đang khẩn trương chăm sóc, tạo ra những sản phẩm “độc, lạ” nhằm phục vụ thị trường Tết.

Để phục vụ thị trường Tết, 1.000 sản phẩm dừa dứa in chữ “Tài – Lộc” đã được lên khuôn.

1.000 sản phẩm dừa dứa in chữ “Tài – Lộc”

Với hơn 8 công dừa dứa Thái Lan đang chuẩn bị cho thu hoạch, những ngày này, anh Trương Hoàng Tuấn, ở xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) đang tích cực chăm sóc, lựa chọn những trái dừa có "ngoại hình" đẹp để lên khuôn chữ “Tài – Lộc” cho ra những sản phẩm dừa in chữ độc lạ và đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của người dân dịp Tết năm nay.

Anh Trương Hoàng Tuấn đang trao đổi với PV Người Đưa Tin. (Ảnh: Thanh Lâm).

Anh Tuấn cho biết, dừa dứa có trái nhỏ phù hợp để chưng trong mâm ngũ quả của người dân Nam bộ. Nước dừa lại rất thơm, mát và để được lâu nên sau khi chưng Tết xong có thể uống được.

Theo anh Tuấn, để có được những trái dừa đẹp như ý, anh Tuấn phải thường xuyên ra vườn theo dõi, cắt bỏ những trái hư hỏng, tàu dừa khô, bẹ lá, bẹ bông khô để tránh cho sinh vật gây hại phát triển làm ảnh hưởng đến dừa. Mỗi buồng dừa chỉ chọn được vài trái đẹp để lên khuôn chữ “Tài – Lộc”, những trái còn lại chỉ bán được làm dừa giống hay bán dừa tươi để uống giải khát. 

Anh Tuấn cho biết, với khoảng 1.000 trái có in chữ “Tài – Lộc” sẽ cung cấp cho thị trường Tết năm nay. (Ảnh: Thanh Lâm).

“Vườn dừa dứa nhà tôi có khoảng 220 cây. Tết này, tôi xuất ra thị trường khoảng 1.000 trái có in chữ “Tài – Lộc” để chưng mâm ngũ quả, với giá dao động khoảng 400.000 đồng/cặp”, anh Tuấn nói.

Mứt trái cây “độc, lạ”

Đến với chùa Phước Quang tọa lạc ở ấp Bình Hòa 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) những ngày cận Tết, chúng tôi đã có dịp khám phá quy trình sản xuất 5 loại mứt “độc, lạ" góp thêm hương vị cho ngày Tết cổ truyền.

Mứt chôm chôm dùng được cả hạt của chùa Phước Quang. (Ảnh: Thanh Lâm).

Sư cô Thích Nữ Phương Ngọc, trụ trì chùa Phước Quang cho biết: “Mỗi dịp Xuân về, người dân nơi đây họp lại chế biến những sản phẩm mứt như: Mứt chôm chôm (dùng được cả hạt), mứt xoài, mứt trái cóc, mứt vỏ bưởi để biếu cho phật tử gần xa”.

Theo Sư cô Thích Nữ Phương Ngọc, các loại mứt nơi đây đều được sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, không dùng bất kỳ loại hóa chất nào nên hương vị vẫn được giữ nguyên, như vị chua ngọt và béo ngậy của mứt chôm chôm, vị the của mứt bưởi, vị thơm nồng của mứt xoài, khiến nhiều người dân ở địa phương và phương xa tìm đến dùng thử và mua về làm quà.

Chị Ông Kim Hương – Việt kiều Mỹ đang trao đổi với PV. (Ảnh: Thanh Lâm).

Chị Ông Kim Hương – Việt kiều Mỹ cho biết, do từng được gia đình gửi những sản phẩm mứt “độc, lạ” của chùa sang và dùng thử rất ngon nên khi có cơ hội về nước, chị đã tìm đến đây mua mứt về dùng và làm quà biếu.

Cơ sở sản xuất mứt ở chùa Phước Quang đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng loại mứt ở trên với thương hiệu Phước Liên. Dự kiến dịp Tết này, chùa Phước Quang sẽ cho ra thị trường 1.000 hộp mứt “độc", lạ phục vụ người dân dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Dịp Tết năm nay, chùa Phước Quang sẽ cho ra thị trường 1.000 hộp mứt “độc, lạ”. (Ảnh: Thanh Lâm).

Mai vàng Phước Định sẵn sàng đón Tết

Dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhưng những ngày này, làng mai vàng Phước Định ở cù lao Minh (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã nhộn nhịp hẳn lên, người mua kẻ bán tấp nập như Tết.

Ông Lê Văn Tý đang chăm sóc mai vàng vườn nhà để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. (Ảnh: Thanh Lâm).

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Lê Văn Tý, Trưởng ban đại diện Làng nghề truyền thống, hoa kiểng, cây giống, du lịch sinh thái Phước Định chia sẻ: “Mai vàng hiện nay đã được các nhà vườn vô chậu sẵn chuẩn bị dịp Tết. Ngoài việc áp dụng kỹ thuật, các nghệ nhân đang tất bật cắt tỉa, chỉnh sửa, tạo dáng cho cây khá công phu. Hiện nơi đây, có hơn 200 hộ trồng mai vàng với hàng chục ngàn gốc lớn, nhỏ đang được các nhà vườn chăm sóc để phục vụ cho thị trường Tết Kỷ Hợi 2019”.

Theo ông Lê Văn Tý, do nhu cầu sử dụng mai vàng để trang trí, làm đẹp nhà, khuôn viên công trình vào dịp Tết ngày càng tăng, nên hiện nay rất nhiều người dân địa phương đã tập trung chăm sóc, chỉnh sửa, tạo dáng mai vàng để kiếm thêm thu nhập và bán ra thị trường Tết Nguyên đán. Dự đoán năm nay, làng mai vàng Phước Định cung cấp hàng chục ngàn gốc mai cho thị trường Tết. Trong số đó, một số mai vàng sẽ đưa đến các chợ, số mai còn lại để ở vườn cho thương lái các nơi đến mua.

Các nghệ nhân làng mai Phước Định đang tất bật chăm sóc những cây mai vàng để phục vụ Tết Kỷ Hợi. (Ảnh: Thanh Lâm).

“Dù trong những ngày qua, một số gốc mai vàng của vài hộ dân tại địa phương nở sớm nhưng số lượng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường Tết năm nay. Những gốc mai vàng nở sớm là do thiếu sự chăm sóc nên dẫn đến tình trạng cây ra hoa không theo ý muốn”, ông Lê Văn Tý chia sẻ.