Tiêu dùng & Dư luận

Vĩnh Long: Cam sành rớt giá, ngành chức năng khuyến cáo

Trước tình trạng giá cam sành tụt dốc, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long tiến hành hỗ trợ nông dân tìm đầu ra và có những khuyến cáo trong sản xuất.

Từ nhiều nguyên nhân

Trong nhiều năm qua, giá cam sành trên thị trường luôn ổn định ở mức khá cao. Người dân ở Vĩnh Long đổ xô trồng cam và đi thuê đất thêm để trồng loại cây này.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh hiện có trên 17.000ha trồng cam sành, tăng gần 3.000ha so với năm 2020. Trong đó, Trà Ôn là huyện có diện tích trồng cam tập trung nhiều nhất với gần 10ha đất trồng.

Diện tích cam sành của huyện Trà Ôn tăng nhanh trong giai đoạn 2018-2022, do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long cho biết, nếu áp dụng kỹ thuật canh tác mới có thể nâng cao năng suất cam sành lên từ 70-100 tấn/ha. Với năng suất cao như thế, cộng với giá bán tốt, người trồng cam sành có thể thu lợi nhuận cao, bình quân từ 300-500 triệu/ha/năm.

Do lợi nhuận cao, nhiều người dân đã đổ xô trồng cam sành nên khiến tình trạng “cung vượt cầu”.

Trong 5 năm (2018-2022), diện tích cam sành tại huyện Trà Ôn tăng hơn 5.600ha, từ trên 3.900ha năm 2018 lên gần 10.000ha năm 2022.

Ngoài ra, diện tích cam sành của các địa phương trong tỉnh đang trong giai đoạn thu hoạch rộ, chủ yếu tiêu thụ nội địa tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Nhưng hiện nay, thị trường tiêu thụ đang giảm sản lượng thu mua, bởi ảnh hưởng thời tiết lạnh, người dân ít dùng loại trái cây này. Còn thương lái chủ yếu mua cam chín vỏ còn xanh, hạn chế mua cam chín vỏ vàng, cam xồ vỏ xấu.

Đặc biệt, thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Mão, giá cam dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg nhưng hộ dân không bán, neo lại chờ giá lên cao dẫn đến tình trạng cam quá lứa (vỏ cam vàng, xồ) nên giá bán thấp (2.500-3.000 đồng/kg) và dẫn đến tình trạng tồn động như trong thời gian qua.

Từ những nguyên nhân trên đã khiến giá cam sành tụt dốc, nông dân thua lỗ, ngành chức năng đã phải vào cuộc hỗ trợ nông dân tìm đầu ra.

Liên kết, hỗ trợ nông dân

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Tấn Phương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cam sành Phương Thúy Trà Ôn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết, có thời điểm sốt giá, cam sành chạm mốc 17.000 đồng/kg.

Thời điểm đó, mỗi ngày HTX thu mua từ 40-50 tấn. Hiện tại, giá cam tại vườn giảm sâu, còn từ 3.000-6.000 đồng/kg (tùy loại), tuy nhiên mỗi ngày HTX chỉ thu mua và xuất bán khoảng 20 tấn trái.

Nông dân dùng những tấm bạt nilon để tập kết cam sành từ vườn.

“Mấy ngày qua, một số trang tin phản ánh tình trạng giá cam sành chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg đã gây không ít ảnh hưởng trong việc kinh doanh của HTX. Trong khi đó, giá thuê hái trái và công vận chuyển cam sành từ vườn đến phương tiện vận chuyển đã lên tới 2.000 đồng/kg”, ông Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Ôn cho biết, từ đầu năm đến nay, giá thu mua cam sành giảm mạnh.

Hiện, giá cam sành dao động từ 3.000-5.000 đồng/kg, giảm 12.000-13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022, trong khi giá thành sản xuất cam khoảng 5.000-7.000 đồng/kg.

Như vậy, với mức giá hiện tại, người trồng cam không có lợi nhuận. Khó khăn chủ yếu là các hộ mới trồng lần đầu, thời gian trồng khoảng 2 năm (cây đang cho vụ trái đầu tiên).

Để không ảnh hưởng đến tuổi thọ và phát triển của cây cam sành, nông dân chấp nhận thua lỗ, sẵn sàng thu hoạch.

Theo số liệu điều tra của Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, toàn huyện hiện có trên 45 cơ sở, HTX thu mua cam sành với sản lượng trên 300 tấn/ngày. Sản lượng thu mua này chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm trước đây. Từ nay đến hết tháng 3/2023, uớc sản lượng cam sành toàn huyện thu hoạch khoảng 60.000 tấn.

Trước sản lượng cam sành tồn đọng nhiều mỗi ngày, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long tiến hành phối hợp cùng các đơn vị có liên quan mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản lượng cam sành đang còn tồn đọng và sắp thu hoạch.

Đồng thời, hỗ trợ đưa sản phẩm cam sành để bán trên các sàn thương mại điện tử của Sở NN&PTNT và các sở, ngành tỉnh liên quan.

Ngành chức năng khuyến cáo

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất thuần cây lúa.

Đối với các loại cây ăn trái lâu năm như: sầu riêng, mít, bưởi, cam, chanh, ổi, xoài… có thể cho mức cao hơn từ 100 đến 300 triệu đồng/ha. Qua đó, giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác và đa số diện tích chuyển đổi này thực hiện đúng theo mục tiêu chuyển đổi tạm thời (không chuyển đổi mục đích sử dụng).

Nông dân cân cam sành chuẩn bị xuất bán.

Tuy nhiên, so với quy hoạch được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt thì đã vượt hơn trên 30% diện tích (tỉnh quy hoạch diện tích trồng cam đến năm 2025 là 12.000ha).

Ngoài ra, một số vùng không thích nghi như Long Hồ, Mang Thít, Bình Minh hiện cũng vẫn có nông dân thuê đất trồng cam, điều này dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” như hiện tại đã xảy ra…

Vận chuyển cam sành đưa đi tiêu thụ.

Ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo, người dân có cam tới đợt thu hoạch thì không nên neo lại vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, tuổi thọ của cây và gây tồn động sản lượng cục bộ, làm ảnh hưởng đến giá cả đầu ra sản phẩm cam sành.

Các xã có diện tích trồng cam nhiều của huyện Trà Ôn như: Thuận Thới, Hựu Thành, Thới Hoà, Trà Côn, Hoà Bình, Nhơn Bình,...

Ngoài huyện Trà Ôn, các huyện Tam Bình, huyện Vũng Liêm, Long Hồ, Mang Thít, thị xã Bình Minh và Tp.Vĩnh Long cũng có diện tích trồng cam sành.

Đồng thời, tham gia vào các tổ hợp tác, HTX cam sành và áp dụng các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất tốt để kết nối tìm đầu ra ổn định.

Bên cạnh đó, cần thực hiện mã số vùng trồng để kết nối cung cầu; tăng cường sử dụng phân hữu cơ để giảm lượng phân bón hoá học nhằm giảm chi phí sản xuất, giúp cây phát triển bền vững và trái cam đạt chất lượng cao.

Thanh Lâm