Kinh tế vĩ mô

Vingroup, Sungroup hiến kế giúp Việt Nam thành “điểm phải đến" tại Châu Á

Dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát, nhưng đa số doanh nghiệp đều nhận định, ngành du lịch Việt Nam dù dần hồi phục thì vẫn phải đối diện với nhiều bất ổn.

Tại Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững” tổ chức sáng ngày 15/11, đại diện Tập đoàn Vingroup nhận xét, ngành du lịch năm 2023 vẫn đang phải đối diện với nhiều bất ổn.

“Thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo”, đại diện Vingroup nhận định.

Theo đó, Vingroup cho rằng Việt Nam cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á.

Để du lịch Việt Nam thực sự khởi sắc, đại diện Vingroup cho rằng nỗ lực đơn lẻ của các doanh nghiệp là chưa đủ và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Theo đó, doanh nghiệp đề xuất 5 giải pháp. 

Thứ nhất, cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Thứ hai, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu.

Thứ ba, cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không.

Thứ tư, xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia.

Và cuối cùng, từ góc nhìn của doanh nghiệp, Vingroup kiến nghị cần có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch tại Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Vingroup phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện cho doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh cốt lõi là du lịch, bà Nguyễn Thái Hoài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề xuất thêm một số kiến nghị.

Thứ nhất, Bộ VHTT&DL cần ưu tiên ngân sách cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ra quốc tế. Theo Sun Group, ngân sách quảng báo du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Thứ hai, về tăng cường hợp tác hàng không, đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… Đồng thời, mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.

Thứ ba, đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn.

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group.

Cuối cùng, về bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài, bà Hoài Anh cho biết theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có.

Theo đó, đại diện Sun Group phân tích các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí. Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn.

Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, yên bình, đáng sống ra thế giới. Vì vậy, Sun Group cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài và bất động sản nghỉ dưỡng, giúp tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận…

Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG).

Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình (IPPG) thì cho rằng nên xây dựng mô hình Factory Outlet trong khu phi thuế quan, việc này sẽ góp phần giảm thiểu việc "chảy máu ngoại tệ" khi du khách Việt Nam giảm nhu cầu sang các nước khác mua sắm.

Đồng thời, công ty còn đề xuất mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố. Bà Tiên phân tích các công ty du lịch Việt Nam được hưởng 10% hoa hồng trên doanh số từ việc bán hàng miễn thuế sẽ giúp giải quyết bài toán giảm giá tour/vé máy bay, giá khách sạn cho các công ty du lịch, lữ hành để có thể cạnh tranh giá tour trong khu vực.

Ngoài ra, bà Tiên đề xuất nên thành lập Hội đồng liên kết du lịch mua sắm bao gồm các đại diện từ các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đến mua sắm. Hội đồng sẽ đề xuất các chính sách chung về phát triển mua sắm du lịch, phân tích nhu cầu thị trường, kết nối phương tiện quảng cáo hiện đại để thu hút lượng khách du lịch nhiều hơn nữa.