Đối thoại

Vingroup, Sun Group, Thaco cũng gặp khó khi tuyển dụng nhân sự

Có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng các doanh nghiệp đều gặp phải những khó khăn khi không tuyển đúng người, trình độ tay nghề thấp, lao động không muốn gắn bó lâu dài.

Có sự góp mặt của đại diện một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực, tại hội nghị phát triển thị trường lao động diễn ra sáng nay (20/8), nhiều tập đoàn lớn đã nói thẳng, nói thật những ý kiến của mình về khó khăn trong tuyển dụng, đào tạo nhân sự, cũng như gửi gắm mong muốn trong thời gian tới.

Thực trạng lao động không qua giai đoạn thử việc

Đại diện doanh nghiệp trong lịch vực du lịch, ông Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group nói về những khó khăn thời gian qua liên quan đến nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao.

Dẫn chứng số liệu của Tổng cục Du lịch, “Hằng năm, với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, chúng ta cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn”, ông Trường thông tin.

Bên cạnh đó là khó khăn liên quan đến chi phí lao động tăng nhanh nhưng tay nghề còn hạn chế, khả năng đáp ứng chưa cao. Theo thống kê có đến 90% doanh nghiệp gặp phải tình trạng ứng viên không phù hợp, thử việc xong cũng phải xin nghỉ.

Hội nghị có sự tha gia của nhiều ban ngành (Ảnh: baochinhphu).

Ở đây ông Trường cũng đánh giá xu hướng nhu cầu của lao động thời gian tới như yêu cầu hình thức làm việc linh hoạt hơn về thời gian cũng như địa điểm; Muốn chuyển dịch từ cố định sang tự do; Tỉ lệ nhân viên nghỉ việc có xu hướng tăng lên rất đáng kể trong ngành du lịch.

Đưa ra giải pháp, đại diện Sun Group cho biết: “Cần nâng cao vai trò, nhận thức của giáo dục nghề nghiệp, có sự hợp tác đa phương giữa đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp, bao gồm hệ thống các trường cao đẳng, đại học chính quy với các hiệp hội nghề nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm và doanh nghiệp”.

Về việc mất cân đối trong cung-cầu cho các địa bàn do thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở xã hội, ông Trường nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng muốn có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho việc hạ tầng, đào tạo đi trước một bước.

Chúng tôi muốn có sự an cư lạc nghiệp với người lao động bằng cách có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, hoặc chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với đối tượng cần được hỗ trợ nhà ở”.

Ngoài ra, có thể mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động tại các địa phương xa, vùng khó khăn, thu hút được người lao động đến.

Tăng trần hạch toán chi phí phúc lợi vào chi phí doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp chỉ được hạch toán tối đa tổng chính sách phúc lợi tương đương 4 tháng tiền lương, chưa đủ để có phúc lợi hấp dẫn thu hút người lao động vào địa bàn, vùng miền khó khăn, chưa có điều kiện sinh hoạt tốt.

Vingroup đẩy mạnh đào tạo nhân sự trong lĩnh vực công nghệ (Ảnh: baochinhphu).

Phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nghề

Là một trong những doanh nghiệp đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp; thương mại, dịch vụ; thiện nguyện xã hội. Thời gian tới, Vingroup sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng lao động trong nghiên cứu sản xuất trong mảng công nghệ, công nghiệp.

Trong phần phát biểu của mình, Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang đã có thông tin cụ thể về nhu cầu lao động trong 2 năm tới. Doanh nghiệp này cần 100.000 nhân sự trong đó có khoảng 20% là nhân sự cao cấp đã qua đào tạo tối thiểu là trình độ đại học và khoảng 10% trong đó cho khối sản xuất phục vụ sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

“Về kế hoạch 5 năm tới, sẽ dự kiến xây đựng 500.000 căn nhà xã hội và một loạt dự án xây dựng được triển khai tại Quảng Ninh, Khánh Hòa, Tp.HCM cùng với việc mở mới nhà máy pin tại Hà Tĩnh, mở rộng sản xuất nhà máy ô tô điện ở Hải Phòng chúng tôi cần tuyển gấp khoảng từ 80.000 đến 100.000 công nhân cho các dự án này”, ông Quang cho biết.

Đại diện Vingroup cũng đề nghị Chính phủ, chính quyền các địa phương,  và các ban ngành cùng phối hợp hỗ trợ trong tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Kết hợp trí tuệ, kinh nghiệm thời gian qua trở thành chương trình đào tạo phổ biến khoa nhằm nâng cao chất lượng đại học.

Ông Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi cần các địa phương phối hợp cung cấp nguồn nhân lực số lượng lớn, đã qua đào tạo cơ bản, có định hướng về tinh thần làm việc thái độ làm việc, đặc biệt coi trọng tinh thần kỷ luật. Vingroup sẽ có chế độ đãi ngộ tốt nhất để họ yên tâm công tác”.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Trường Hải (THACO) (Ảnh: baochinhphu).

Đại diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, với tổng số nhân sự trên 60.000 người, ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Trường Hải (THACO) cho biết trong giai đoạn 2022-2025, doanh nghiệp này có nhu cầu nhân sự tăng 15%/năm, tức là khoảng 9.000 - 10.000 việc làm/năm.

Tại hội nghị, ông Tài cũng đưa ra đề xuất nhằm phát triển thị trường lao động. Ngoài các giải pháp liên quan đến hệ thống chính sách trong phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển kinh tế vùng; chú trọng tổ chức hệ thống giáo dục và đào tạo từ trường phổ thông đến đại học và các trường đào tạo nghề theo hướng tiếp cận ngành giáo dục uy tín của khu vực và thế giới.

Ông Tài bày tỏ cần chú trọng nâng cao hiệu quả, tránh lãng phí trong nguồn nhân lực. Đặc biệt cần hạn chế tình trạng đào tạo ra không có việc làm, tổ chức đào tạo lại, xây dựng cơ chế hợp tác, phát triển nguồn nhân lực của Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp; có dự báo xu hướng nhu cầu lao động chính xác trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, trung tâm đào tạo nhân tài, từng bước hiện đại hoá theo tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp nghiên cứu, đào tạo theo xu thế chuyển đổi số hiện nay.

Xem thêm:4 nhóm nội dung cần giải quyết liên quan đến vấn đề lao động

Minh bạch thị trường lao động nhằm hạn chế mất cân đối cung-cầu cục bộ