Hồ sơ điều tra

Vinasun kiện Grab: Đại diện Vinasun nói việc kiện không phài vì tiền

Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng, việc công ty này khởi kiện Grab không phải vì tiền, mà là nhằm làm rõ các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab.

Sáng 26/12, sau gần một tháng dừng xử, TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng ra xét xử. Gần 1 tháng trước (ngày 30/11), cả Vinasun và Grab yêu cầu tòa ngừng xử để hòa giải và được tòa chấp nhận.

Trong phiên tòa sáng nay, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc hai bên đã hòa giải chưa, Phó Tổng Giám đốc Vinasun nói: “Grab đưa ra đề nghị với Vinasun không đúng nên hòa giải không thành”.

Tại tòa, đại diện Grab nói nếu nguyên đơn (Vinasun) muốn tiếp tục hòa giải thì Grab sẽ đàm phán tiếp. Tuy nhiên, Vinasun khẳng định không muốn hòa giải. Từ đó, cả nguyên đơn và bị đơn đều yêu cầu tòa tiếp tục xét xử theo quy định pháp luật.

Đại diện Vinasun cho biết họ khởi kiện Grab không phải vì tiền.

Đại diện Vinasun tiếp tục tố Grab không đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho các tài xế. Để làm rõ vấn đề này, chủ tọa phiên tòa yêu cầu Grab trả lời có hay không việc không mua các bảo hiểm cho tài xế.

Đáp lại, đại diện Grab lý giải: “Lái xe không thuộc thành phần người lao động của Grab mà là thuộc người lao động của các đối tác của Grab (là các hợp tác xã). Việc mua các loại bảo hiểm cho tài xế là trách nhiệm của các hợp tác xã chứ không phải của Grab. Grab không biết hợp tác xã có mua bảo hiểm cho tài xế hay không”.

Trong phần chất vấn của mình, đại diện Grab hỏi phía Vinasun về yêu cầu khởi kiện nhưng Vinasun từ chối trả lời bởi đã trả lời nhiều lần trong các phiên tòa trước, nay không trả lời lại. Trước thái độ này của phía Vinasun, đại diện Grab yêu cầu Vinasun hợp tác để làm rõ các câu hỏi bị đơn đưa ra. Tuy nhiên, tòa thông báo nguyên đơn có quyền từ chối trả lời.

Đại diện Grab hỏi Vinasun về việc số lượng lái xe của Vinasun giảm vì đã chuyển qua hoạt động nhượng quyền. “Những tài xế này còn là người lao động của Vinasun hay không?”, đại diện Grab hỏi.

Đại diện Vinasun trả lời, trong quá trình Vinasun nhượng quyền, lái xe của Vinasun được bảo đảm đầy đủ chế độ, bao gồm bảo hiểm.

Phía Grab cho biết mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới.

Cũng tại tòa, HĐXX muốn cả nguyên đơn và bị đơn xác định có hay không Grab đề nghị mua lại cổ phần của Vinasun trong quá trình hòa giải. Đại diện Grab giải thích, Grab xem việc mua lại cổ phần của Vinasun là hoạt động đầu tư và doanh nghiệp này kỳ vọng sự hợp tác bằng cách này hay cách khác để hoạt động kinh doanh của Grab tốt hơn. Tiếp đến, phía Grab đề nghị tòa không nhắc lại nội dung này vì việc hòa giải không thành, và rằng việc đàm phán giữa các bên thuộc bí mật kinh doanh.

Còn đại diện Vinasun cho biết, việc hòa giải không thành vì Grab đưa ra các nội dung không gắn với nội dung vụ án, không gắn với mối quan hệ nhân quả dẫn đến thiệt hại của Vinasun. “Mục đích của chúng tôi không phải vì tiền, chúng tôi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại để làm sao làm rõ được các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Grab”, đại diện Vinasun khẳng định trước tòa.

Trước khẳng định của Vinasun, chủ tọa phiên tòa hỏi: “Yêu cầu của Vinasun chỉ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, giả dụ người ta đồng ý trả 41,2 tỷ thì sao?”. Trả lời câu hỏi này, phía Vinasun không đồng ý và cho biết yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế phải gắn với nội dung khởi kiện là xác định hành vi vi phạm pháp luật của Grab trong kinh doanh taxi liên quan Đề án 24 và Nghị định 86.

“Dường như Vinasun cũng không biết họ muốn gì. Họ có muốn đòi bồi thường 41,2 tỷ hay không?”, đại diện Grab nói và khẳng định mục đích Vinasun khởi kiện dường như không phải vì tiền mà vì mục đích triệt tiêu cái mới. Bởi nếu vì mục đích thương mại đơn thuần thì với những đề nghị của phía Vinasun, phía Grab có thể đưa ra nhiều giải pháp có lợi hơn yêu cầu của Vinasun.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần thẩm vấn của đại diện VKS.