Hồ sơ doanh nghiệp

Viglacera tham vọng lãi 1.700 tỷ đồng năm 2022

Năm 2021 mặc dù gặp khó do Covid-19 nhưng công ty chuyên vật liệu xây dựng vẫn đạt kết quả khả quan, do đó công ty đề ra kế hoạch năm 2022 đầy tham vọng.

Trong năm 2022, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (MCK: VGC) dự kiến đem về 15.000 tỷ đồng doanh thu và 1.700 tỷ đồng lãi trước thuế hợp nhất, lần lượt tăng 34% và 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kế hoạch kinh doanh cao nhất từ trước đến nay của đơn vị.

Riêng phía Công ty mẹ VGC, doanh thu dự kiến đạt được là 6.500 tỷ đồng (tăng 17%) và lãi trước thuế là 1.200 tỷ đồng (tăng 4%). Ngoài ra, đơn vị cũng lên kế hoạch trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỉ lệ 16% (năm 2021 chi trả với tỉ lệ 15%).

Viglacera nhận định những yếu tố thuận lợi như nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá trong năm nay. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp về tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới chắc chắn sẽ vẫn có những tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Viglacera dự lãi 1.700 tỷ đồng năm 2022.

Về kế hoạch đầu tư trong năm 2022, đối với lĩnh vực vật liệu, VGC dự định sẽ tập trung triển khai thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy gạch Viglacera Eurotile đưa vào khai thác đúng tiến độ; phát triển dòng sản phẩm mới kích thước lớn, cao cấp đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu của CTCP Viglacera Tiên Sơn. VGC cũng lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư vào các dự án như Nhà máy kinh nổi siêu trắng Phú Mỹ Giai đoạn 2, công suất 900 tấn/ngày và dự án Sản xuất nắp bệt và phụ kiện sứ vệ sinh.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tiếp phát triển, tăng sản lượng và đa dạng các dòng kính tiết kiệm năng lượng, gương cao cấp, các sản phẩm kính gia công.

Trong năm 2022, Viglacera dự định sẽ chi khoảng 3.000 tỷ đồng vào đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khu công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn nhất với 2.450 tỷ đồng. 

Đối với lĩnh vực bất động sản, trong năm tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai chuẩn bị đầu tư các khu công nghiệp mới: Đồng Nai mở rộng - Quảng Ninh (145 ha), Tiền Hải mở rộng - Thái Bình (329 ha), mở rộng KCN Phú Hà - Phú Thọ (100 ha), Đồng Văn 4 mở rộng - Hà Nam (300 ha), Khu A KCN Phong Điền - Thừa Thiên Huế (120 ha)…

Đối với mảng khu đô thị và nhà ở, trong giai đoạn 2022-2023, Tổng công ty lên kế hoạch chuẩn bị đầu tư và triển khai đầu tư mới khoảng 2.000 ha khu công nghiệp và 200 ha trong lĩnh vực nhà ở. 

Công ty dự kiến khởi công mới các dự án nhà ở công nhân tại KCN Đông Mai, KCN Hải Yên; khảo sát, chuẩn bị đầu tư phát triển các dự án ở Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình. Ngoài ra, công ty sẽ triển khai các bước để chuẩn bị đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án như khu đô thị mới Tây Bắc TP. Bắc Ninh, khu đô thị - dịch vụ Phù Ninh – Phú Thọ.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ tiếp tục triển khai các bước thoái vốn tại một số đơn vị vật liệu xây dựng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng tại một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Gạch ngói Từ Sơn, Công ty Cổ phần gốm xây dựng Yên Hưng, Công ty Cổ phần Từ Liêm.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, Viglacera ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.575 tỷ đồng, tăng trưởng 88% so với năm 2020 và vượt 46% kế hoạch của cả năm.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước và vượt 20% kế hoạch đặt ra. Theo Viglacera, đây là lần đầu doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập.

Trong năm 2021, Viglacera đã chính thức được sáp nhập với Tập đoàn Gelex của doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn, sau khi đơn vị này tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 50%. Hiện công ty con của Tập đoàn Gelex - Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex là pháp nhân sở hữu toàn bộ lượng cổ phần tại VGC.

Trên thị trường, cổ phiếu VGC chốt phiên sáng ngày 18/3 ở mức giá 50.900 đồng/cổ phiếu.