Hồ sơ doanh nghiệp

Mảng nào giúp Viglacera báo lãi nghìn tỷ năm 2021?

Trong năm đầu tiên trở thành công ty con của Gelex, Viglacera báo lãi trước thuế 1.541 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch năm và lập kỷ lục lợi nhuận từ ngày thành lập.

Tổng công ty Cổ phần Viglacera (mã chứng khoán: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021 với khoản lợi nhuận cao kỷ lục tại cả công ty mẹ và hợp nhất các công ty thành viên.

Cụ thể, tính riêng quý IV/2021, doanh thu thuần của Viglacera đạt 3.692 tỷ đồng, tăng 58,8% so với doanh thu 2.325 tỷ đồng đạt được quý IV/2020. Trong khi đó tỉ lệ tăng chi phí vốn chỉ 57,7% dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 892 tỷ đồng, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu tài chính trong quý đạt hơn 157 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với doanh thu tài chính gần 12 tỷ đồng ghi nhận trong quý IV/2020. Chi phí tài chính tăng gần gấp đôi, lên 84 tỷ đồng, trong đó riêng chi trả lãi vay hơn 58 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế ở mức 442 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần quý IV/2020. Phần lãi thuộc cổ đông công ty mẹ cũng tăng 356% lên 410 tỷ đồng. 

Lũy kế năm 2021, doanh thu hợp nhất tăng 19% lên 11.200 tỷ đồng. Lãi trước thuế tăng 83% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.541 tỷ đồng, phần lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ tăng gấp đôi lên 1.277 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên lợi nhuận của Viglacera vượt nghìn tỷ trong lịch sử hoạt động của công ty. Đáng chú ý, 2021 cũng là năm đầu tiên Viglacera hoạt động dưới vai trò là công ty con của Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) - doanh nghiệp đã chi hàng nghìn tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 50,2% vốn điều lệ Viglacera.

Tại thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản đạt 22.015 tỷ đồng, tăng 22,4% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền hơn 2.701 tỷ đồng, tăng 39%. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 11,5% xuống 933 tỷ đồng, chủ yếu do giảm khoản phải thu khách hàng.

Giá trị xây dựng cơ bản dở dang dài hạn là hơn 5.120 tỷ đồng tại ngày 31/12/2021, chủ yếu ở các khu công nghiệp. Trong đó, một số dự án có giá trị dở dang lớn như khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh khi bắt tay Amkor - Tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất vật liệu bán dẫn xây dựng siêu dự án 1,6 tỷ USD hay khu công nghiệp Yên Mỹ, Hưng Yên...

Về nguồn vốn, chi phí phải trả ngắn hạn tăng từ 697 tỷ đồng lên 945 tỷ đồng. Nợ vay tài chính tăng 64% lên 3.118 tỷ đồng. Nợ dài hạn tăng mạnh từ 401 tỷ đồng lên 1.665 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến hết năm 2021 của Viglacera đạt 22.015 tỷ đồng, tăng 22% so với hồi đầu năm.

Viglacera thực hiện IPO năm 2014 và bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM từ quý IV/2015 với giá trị vốn hoá khoảng 130 triệu USD, đến năm 2017 đạt trên 450 triệu USD và đến giữa tháng 12/2021 đạt trên 1 tỷ USD. Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), tính đến hết năm 2021 có 46 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có sự góp mặt của Viglacera.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC kết phiên giao dịch ngày 25/1 dừng tại mức 49.500 đồng/cổ phiếu, tăng 90% so với mức 26.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2021.