Hồ sơ doanh nghiệp

Việt Nam và cơ hội từ chiến lược “Trung Quốc +1”

Lãnh đạo của các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, Việt Nam muốn thu hút vốn đầu tư trên thế giới cần tạo dấu ấn riêng biệt dựa trên những ưu điểm sẵn có của mình.

Sau hàng thập kỷ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tính đến thời điểm hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên lớn mạnh. Sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa với việc nền kinh tế này sẽ dần mất dần đi những lợi thế để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp phương Tây, cụ thể như sẽ không còn là thị trường lao động rẻ nhất châu Á; các chính sách khuyến khích đầu tư liên quan đến thuế cho các doanh nghiệp phương tây bị xóa bỏ hoặc ưu đãi giảm dần; diện tích đất để phát triển các khu công nghiệp ở vùng kinh tế hoạt động sôi nổi bị thiếu hụt;…

Chiến lược “Trung Quốc +1” là một phương pháp các doanh nghiệp dùng để bảo hiểm rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc. Cụ thể, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Trung Quốc sẽ mở rộng, đặt chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất sang các nước châu Á lân cận khác như: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hoặc Myanmar...

Những lợi ích mà Chiến lược “Trung Quốc +1” đem lại cho doanh nghiệp có thể kể ra gồm: Giảm chi phí, do chi phí nhân công tại các nước Đông Nam Á rẻ hơn so với chi phí nhân công tại Trung Quốc; hạn chế những rủi ro, sự đa dạng hóa sẽ giúp cho nhà sản xuất ít chịu rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá và rủi ro về thuế; tiếp cận thêm nhiều thị trường mới, đang phát triển nhanh và sôi động.

Do đó, các vùng quốc gia lân cận hoặc những quốc gia có tiềm năng phát triển, nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác dài hạn trong tương lai sẽ thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp đầu tư đa quốc gia và nếu biết cách khai thác sẽ huởng nhiều lợi ích.

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2022 liên quan đến việc dịch chuyển dòng tiền của các nhà đầu tư hiện nay, ông Pao Jirakulpattana, Phó Chủ tịch Warburg Pincus, Singapore cho biết, căng thẳng về địa chính trị trên thế giới đang là vấn đề nổi bật.

Cụ thể, trước đây, nhà đầu tư có thể thoải mái lựa chọn địa điểm để đầu tư vì mọi thứ ổn định, cân bằng. Nhưng trong thời điểm hiện tại, sự lựa chọn của các nhà đầu tư không còn nhiều như trước.

Hiện tại, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó xu hướng “Trung Quốc +1” được dự báo sẽ có nhiều thay đổi khi Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra những gói kích thích kinh tế liên quan đến việc giảm thuế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Dòng vốn từ các nước khác vào Việt Nam có khả năng phân tán, khi mà Ấn Độ cũng đang nổi lên là một thị trường có sức hút với các nhà đầu tư.

Ông Pao Jirakulpattana, Phó chủ tịch Warburg Pincus, Singapore nhận định dòng vốn đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường Trung Quốc.

Ông Pao Jirakulpattana cho biết quỹ Warburg Pincus đã phát triển tại thị trường Trung Quốc trong 30 năm và chứng kiến đầy đủ những thăng trầm tại thị trường này. Hiện công ty đã có quy mô tương đối lớn với đầy đủ kho bãi, khu công nghiệp, trung tâm lớn.

Với sự hiểu biết sâu sắc và dài hạn về thị trường nước láng giềng của Việt Nam, Phó chủ tịch Warburg Pincus nhận định dòng vốn đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng mặc dù Trung Quốc luôn nổi lên là một thị trường sôi động, thu hút giới đầu tư nhưng khi đặt trong một bối cảnh đầu tư lớn hơn, đặc biệt khi trên thế giới có những căng thẳng thì khu vực ASEAN được đánh giá tương đối ổn định sẽ là khu vực tốt để thu hút các nhà đầu tư, các nhà đầu tư mới muốn khám phá. Và trong đó Việt Nam lại chính là một điểm đến lý tưởng. 

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C thì cho rằng: “Việt Nam không nhất thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc, mà nên tạo sự khác biệt với Trung Quốc”.

Theo vị lãnh đạo của DEEP C, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với nền kinh tế tăng trưởng tốt và ổn định do đó Việt Nam không nhất thiết phải cạnh tranh với Trung Quốc mà có thể tự mình tạo điểm nhấn riêng biệt.

Không thể phủ nhận là đến thời điểm hiện nay, dù nhiều nhà đầu tư “rút chân” ra khỏi thị trường Trung Quốc nhưng đây vẫn được mệnh danh là công xưởng lớn của thế giới. Nhưng ông Bruno Jaspaert lại cho rằng “Việt Nam là quốc gia có vị trí tốt và nhiều lợi thế để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc + 1 này”.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C phát biểu tại Diễn đàn.

Một nhược điểm tại thị trường Việt Nam mà ông Bruno Jaspaert chỉ ra là Việt Nam hiện đang là quốc gia có chi phí logistics cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sắp tới sẽ có đường cao tốc kết nối Trung Quốc với Việt Nam. Đây sẽ là một “bom tấn”, là giải pháp về logistics rất hiệu quả. Sẽ không cần phải quá vất vả để vận tải bằng đường biển hay chờ đợi container, mà chỉ cần thông qua giao thông đường bộ để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến Trung Quốc.

Và vì thế, ngoài việc cải thiện chi phí logistics, ông Bruno Jaspaert còn nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện nay vẫn cần phải tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách để hút dòng vốn.

"Theo tôi, chúng ta cần phải thu hút và đầu tư để phát triển môi trường sống, phát triển dịch vụ, thương mại, để không chỉ các dự án mà cả con người cũng muốn đến và ở lại Việt Nam. Như thế, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ đa dạng và tác động tốt hơn nữa tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam”, vị lãnh đạo DEEP C chia sẻ.