Sự kiện

Việt Nam tiết kiệm được hơn nửa tỷ đồng sau 1 giờ tắt đèn

Sau 1 giờ tắt đèn biểu trưng hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 (từ 20h30-21h30 ngày 26/3/2022), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 309.000 kWh.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, qua theo dõi số liệu về phụ tải tiêu thụ điện, sau 1 giờ tắt đèn biểu trưng hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 (từ 20h30-21h30 ngày 26/3/2022), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 309.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 576,1 triệu đồng).

Giờ Trái đất 2022 đã tiết kiệm được 309.000 kWh điện, tương đương 576,1 triệu đồng

Hơn cả một sự kiện

Tại Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, Giờ Trái Đất là một sự kiện rất có ý nghĩa. Trong 13 năm qua (kể từ khi tham gia sự kiện này vào năm 2009), chiến dịch này đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của 63 tỉnh, thành phố cùng hàng triệu người dân trên khắp cả nước.

Chiến dịch Giờ trái đất năm 2022 được tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF phát động hưởng ứng trên toàn thế giới với chủ đề “Kiến tạo tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ”, mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về vai trò quan trọng trong các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của đa dạng sinh học trên toàn cầu. 

Theo đó, mục đích của Giờ Trái Đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, làm giảm lượng khí thải dioxit cacbon - một khí gây ra hiệu ứng nhà kính đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về ý thức bảo vệ môi trường. 60 phút tắt đèn điện cũng là một hành động đơn giản mang tính biểu trưng để nhắc nhở cộng đồng và cá nhân hãy quan tâm và hành động để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Với ý nghĩa tốt đẹp của chương trình, chiến dịch Giờ Trái đất 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng mà sẽ tiếp tục lan tỏa tới mọi tổ chức, mọi cá nhân để cùng hành động vì một Trái đất xanh phát triển bền vững thông qua các hoạt động thiết thực về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.  

Việt Nam đã trải qua hành trình 13 năm đầy ý nghĩa cùng Giờ Trái Đất

Có thể nói, đây là sự kiện hết sức đặc biệt, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, giảm phát thải mê-tan toàn cầu đến năm 2030, tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia nhiều sáng kiến khác. 

Chính cam kết mạnh mẽ đó tại Hội nghị COP26 đã khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm cao của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Giải pháp công nghệ cho phát triển bền vững

Để hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thực hiện Triển lãm thực tế ảo VR360 với tên gọi “Shape The Future” dựa trên nền tảng công nghệ số.

Triển lãm bao gồm 5 phòng chính với khoảng hơn 100 bức tranh và các video, được thiết kế tỉ mỉ, theo các chủ đề khác nhau. Để xem được sản phẩm, người dùng có thể xem qua máy tính, các thiết bị di động, điện thoại. Ngoài ra, mọi người còn có thể thưởng thức thông qua công nghệ thực tế ảo VR360. 

Triển lãm được thực hiện với mục tiêu mang đến những trải nghiệm chân thật nhất cho người xem, truyền tải những hình ảnh, thông điệp ý nghĩa về vấn đề biến đổi khí hậu, các hành động của con người cả về mặt tích cực và tiêu cực đang có những ảnh hưởng như thế nào đối với môi trường sống, trái đất của chúng ta.

Triển lãm thực tế ảo VR360 với tên gọi “Shape The Future” của Bộ TN&MT

Thông qua Triển lãm, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội cùng chung tay để giảm bớt gánh nặng cho môi trường và thiên nhiên; góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, chống lại biến đổi khí hậu thông qua các hành động đơn giản, đặc biệt tăng cường sử dụng hợp lý năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, tái tạo vì một Trái đất xanh.

Mặt khác, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tương lai, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống của con người và xã hội là tất yếu.

Do vậy, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra những giải pháp mới, hoạt động cũng như áp dụng tối đa sự phát triển của các loại hình công nghệ mới để từ đó thu hút sự chú ý, thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân, hướng đến tương lai phát triển bền vững.