Kinh tế vĩ mô

Việt Nam tham gia hội chợ lớn nhất thế giới về thương mại điện tử

14 doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội giới thiệu các sản phẩm tại hội chợ lớn nhất thế giới dành cho các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến "White Label World Expo London 2022".

Diễn ra trong hai ngày 2-3/3 tại Trung tâm hội trợ triển lãm Excel ở London, Vương quốc Anh, White Label World Expo 2022 thu hút sự tham gia của 500 doanh nghiệp và 7.000 khách tham quan, là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác kinh doanh và cơ hội xuất khẩu tại thị trường Anh và châu Âu.

Theo báo Tin tức/TTXVN, tại hội chợ thương mại toàn cầu này, các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh đã ký 3 thoả thuận hợp tác kinh tế chiến lược với tổng trị giá 300 triệu bảng, gồm thỏa thuận giữa Văn phòng đại diện của Công ty Cổ phần Shinec tại London và các đối tác Anh với sự đồng hành của Ngân hàng thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) về tài trợ tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam; thỏa thuận giữa Công ty Cổ phần Shinec và Công ty TNHH EP Legal về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường Anh và châu Âu; và thỏa thuận giữa Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Star Cruise và Công ty Du lịch Galaxy Thiên Hà về cung cấp sản phẩm du lịch trọn gói trên du thuyền Capella Cruise tại Anh.

Trao đổi với báo Tin tức, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, cho biết gian hàng Việt Nam tại hội chợ, với các sản phẩm đa dạng như cà phê, hạt điều, trái cây sấy, hàng mây tre, thủ công mỹ nghệ… thu hút rất nhiều doanh nghiệp và khách tham quan. Ông Cường cho biết Việt Nam đang nổi lên là một nhà sản xuất các sản phẩm tiêu dùng đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và hội chợ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận người mua hàng toàn cầu và tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu mà không phải tốn nhiều chi phí, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có sản phẩm tốt nhưng gặp trở ngại trong việc tiếp cận người mua hàng.

Các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được trưng bày tại Hội chợ. (Ảnh: TTXVN)

Ông Mike Stride, Giám đốc Fortem International - công ty tổ chức hội chợ, cho biết White Label Expo không những được tổ chức ở London mà còn tại các thành phố như Frankfurt, Las Vegas và New York, vì vậy là cơ hội lớn để các doanh nghiệp kết nối với người mua trên toàn cầu. Ông cho rằng Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tốt để giới thiệu không chỉ cho những khách hàng ở Anh mà trên toàn thế giới. Ông hy vọng Fortem International sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác Việt Nam trong tương lai để quảng bá thêm nhiều sản phẩm Việt Nam ra thế giới.

Các mặt hàng nông sản, thủ công mĩ nghệ được trưng bày tại Hội chợ. Ảnh: TTXVN. 

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu hàng Việt Nam sang Anh, ông Marc Meyer-Webb, Giám đốc Quỹ Evergreen Trade Capital, cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và đang tìm kiếm các cơ hội tăng cường xuất khẩu sang châu Âu. Trong khi đó, Anh là thị trường nhập khẩu lớn, đặc biệt sau khi rời Liên minh châu Âu và sau đại dịch COVID-19, Anh có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội này.

Ông cho rằng ngoài các mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam như thực phẩm, dệt may và quần áo, Việt Nam cũng đang tăng cường xuất khẩu hàng điện tử và máy móc công nghiệp, là những ngành hàng Anh có nhu cầu lớn, hứa hẹn một thị trường tốt cho Việt Nam.

Để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu khi tham gia các hội chợ quốc tế lớn như White Label Expo, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tốt bộ tài liệu giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Anh, nhấn mạnh đây là công việc chỉ tốn ít chi phí, nhưng nếu không làm tốt thì các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể đánh mất những cơ hội lớn. Ông cũng lưu ý các doanh nghiệp trong nước cần kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài - một cầu nối để các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH K&P Global, Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh (VBUK), cho biết các doanh nghiệp trong nước cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt ở Anh để phối hợp thúc đẩy các cơ hội hợp tác, kinh doanh tại thị trường này. Ông cho rằng những sự kiện lớn như White Label Expo là một kênh hiệu quả để các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, nhấn mạnh các doanh nghiệp trong nước cần thường xuyên cập nhật tin tức trên trang web của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước và các cơ quan trong nước như Bộ Công Thương để có thông tin kịp thời về các sự kiện thương mại quốc tế, tận dụng mọi cơ hội xúc tiến thương mại và xuất khẩu.

Xuất khẩu sang Vương Quốc Anh đạt “kỳ tích” nhờ động lực từ UKVFTA

Sau 1 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực tạm thời (từ ngày 1/1/2021) và 7 tháng có hiệu lực chính thức (từ ngày 1/5/2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong năm 2021 đã có kết quả “kỳ tích”, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhu cầu thị trường giảm và cuộc khủng hoảng vỏ container kéo dài từ đầu năm 2021.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,24 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là các mặt hàng: sắt thép (1.183%); cao su (82,3%); nông sản (70,8%); sản phẩm mây, tre, cói và thảm (60,3%); hạt tiêu (48%); phương tiện vận tải và phụ tùng (35,3%); gốm sứ (35,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (21%). Bên cạnh những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục, vẫn có nhóm hàng có kim ngạch giảm đáng kể như thủy sản; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy; dây điện và cáp điện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu thị trường giảm và cuộc khủng hoảng vỏ container kéo dài từ đầu năm 2021 thì kết quả xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cả năm 2021 có thể nói là “kỳ tích”. Trong kỳ tích đó, Hiệp định UKVFTA đóng vai trò đòn bẩy vững chắc, nhờ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau ngày 1/1/2021, nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh vượt trội tại thị trường Anh so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác. Nguyên nhân chính là những nước này chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Vương quốc Anh.

Ngược lại, xuất khẩu của Anh 11 tháng đầu 2021 sang Việt Nam đạt 778.178.006 USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu từ Anh có tốc độ tăng trưởng lớn nhất lần lượt như kim loại thường khác (637%); điện thoại các loại và linh kiện (184%); nguyên liệu dệt, may, da giày (38,1%); dược phẩm (34,2%); ô tô nguyên chiếc các loại (23,1%).

Mức tăng trưởng thương mại này là dự báo khả quan cho năm 2022 khi kinh tế Anh phục hồi cộng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và sự tiếp sức, hướng dẫn của cá chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

Hương Anh (tổng hợp)