Kinh tế vĩ mô

Việt Nam tham dự Hội chợ Thương mại hữu cơ hàng đầu thế giới tại Đức

Các sản phẩm của 12 doanh nghiệp Việt Nam mang tới hội chợ đều đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

Trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt hỗ trợ Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và 12 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thương mại hữu cơ Biofach/Vivaness 2022, diễn ra từ ngày 26-29/7 tại thành phố Nürnberg thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức.

Theo Báo Tin tức, ngày 27/7, chương trình giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Đức đã được tổ chức tại khu gian hàng hữu cơ Việt Nam trong khuôn khổ hội chợ. Tham dự chương trình có Tổng Lãnh sự Lê Quang Long, Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch, đại diện Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Đức Naturland, đại diện công ty DeskVietnam, một số doanh nghiệp và Cơ quan Xúc tiến của Đức như Ocoglobal, Life Natura... và 12 doanh nghiệp Việt Nam. Tại sự kiện, các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về thị trường, tiềm năng và xu hướng tiêu dùng của người Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung. 

Tổng lãnh sự Lê Quang Long cho biết Tổng lãnh sự quán rất hoan nghênh và tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các đối tác tại địa bàn. Theo Tham tán Thương mại Bùi Vương Anh, người tiêu dùng tại Đức ngày càng chú trọng đến lối sống lành mạnh, coi trọng giá trị gia tăng của thực phẩm hữu cơ và điều này mang lại nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu thực phẩm hữu cơ Việt Nam. Ông cũng thông tin về khả năng tăng cường phối hợp với các đối tác, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, các nhà nhập khẩu tại một số bang ở Đức. Ngay tại buổi giao thương, doanh nghiệp Đức Life Natura đã ký với công ty Tiến Đức JSC 2 hợp đồng cung cấp ống hút tre. 

Tại sự kiện, các doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin về thị trường, tiềm năng và xu hướng tiêu dùng của người Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung. 

Việc duy trì sự hiện diện của khu gian hàng hữu cơ Việt Nam tại hội chợ có ý nghĩa tác động lan tỏa đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung và sản phẩm hữu cơ nói riêng. Hội chợ Biofach/Vivaness ở Nürnberg là hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về thực phẩm hữu cơ, với gần 2.300 nhà triển lãm quốc tế tham dự để thể hiện những ý tưởng, xu hướng và sự đổi mới liên quan đến thực phẩm hữu cơ như sản phẩm tươi, đông lạnh, khô và đồ uống hữu cơ với chất lượng được kiểm soát, các sản phẩm hữu cơ không phải thực phẩm như mỹ phẩm thiên nhiên, hàng hóa tự nhiên, nguyên liệu thô và phụ trợ,...

Dù lần đầu tham dự hội chợ năm 2018 chỉ với 7 doanh nghiệp, song điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như thị trường hữu cơ Việt Nam. Năm nay, 12 doanh nghiệp Việt Nam đã mang tới hội chợ các sản phẩm chế biến từ chè, thảo mộc và gia vị (tiêu, quế, hồi, gừng, nghệ, ớt, gạo, điều…) và tất cả các sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia đều đã được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

Cách bài trí bắt mắt và sự độc đáo của các sản phẩm giới thiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút nhiều khách hàng tới tham quan, tìm hiểu thông tin và giao dịch ngay tại khu gian hàng Việt Nam. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng ngay tại hội chợ, như doanh nghiệp Vinasamex với đơn hàng 3 container quế hồi (khoảng 320.000 USD), doanh nghiệp chè Ecolink với đơn hàng trị giá 90.000 USD, gạo hữu cơ Bảo Minh đã có khách hàng quan tâm mua toàn bộ 2.000 tấn trong năm 2022… Nhiều cơ hội hợp tác đã được mở ra, tạo tiền đề cho các giao dịch tiềm năng trong tương lai giữa doanh nghiệp hai nước.

Tìm hiểu cam kết thuế quan, tăng cường xuất khẩu sang Đức

Bên cạnh những cơ hội, Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bởi để hưởng ưu đãi thuế quan, các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nguyên liệu sản xuất và các loại sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn đang phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác. Vì vậy việc đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng cơ hội thuế quan từ Hiệp định này.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Đức , các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu cam kết thuế quan mà EU dành cho Việt Nam tại Tiểu phụ lục 2-A-1 thuộc Chương 2 - Đối xử quốc gia và Mở cửa thị trường đối với hàng hóa của Hiệp định. Đặc biệt, để biết chính xác mức thuế quan ưu đãi mà EU (bao gồm Đức) áp dụng đối với từng mặt hàng của Việt Nam thì doanh nghiệp cần kiểm tra thuế quan ưu đãi theo EVFTA mà EU áp dụng cho Việt Nam hàng năm. 

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu chi tiết, cập nhật thường xuyên và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định và thủ tục nhập khẩu của EU và Đức; nghiên cứu kỹ thị trường Đức (đặc biệt là thị trường ngách), tìm hiểu chi tiết về thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này từ đó nghiên cứu cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng nước này. Tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối hàng hóa tại Đức, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Đức.

Đặc biệt, với một thị trường khó tính như thị trường Đức, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu. 

Hương Anh (tổng hợp)