Giáo dục

Việt Nam tăng 6 bậc "thoát" nhóm thông thạo tiếng Anh thấp

Lần đầu tiên, Việt Nam đã rời khỏi nhóm mức độ thông thạo thấp và bước vào nhóm nước có mức độ thông thạo trung bình.

Ngày 15/11, Tổ chức Giáo dục Quốc tế EF Education First phát hành ấn bản năm 2022 của Chỉ số thông thạo tiếng Anh EF (EF EPI), phân tích dữ liệu từ 2,1 triệu người nói tiếng Anh không phải là bản ngữ ở 111 quốc gia và khu vực.

Theo đó, Việt Nam lên vị trí thứ 60 trong bảng xếp hạng. Đây là thứ hạng được cải thiện đáng kể từ vị trí thứ 66 vào năm ngoái và vị trí thứ 65 vào năm 2020.

Tại Việt Nam, Vùng Đồng bằng Sông Hồng có chỉ số thông thạo ngoại ngữ ở mức tốt nhất với điểm trung bình 535, cao hơn điểm trung bình toàn cầu. Tiếp sau là các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.

So sánh giữa các thành phố, Hà Nội có chỉ số thông thạo ngoại ngữ cao nhất với 545 điểm, tiếp theo là Hải Phòng, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Tp.HCM, Nha Trang.

Ông Alexander Floren- Giám đốc Quốc gia EF Việt Nam cho biết: Việt Nam đã đạt được ​​sự phục hồi đáng kể về trình độ tiếng Anh trong năm qua.

Lần đầu tiên, Việt Nam đã rời khỏi nhóm mức độ thông thạo thấp và bước vào nhóm nước có mức độ thông thạo trung bình. Điều này một phần có thể là do sự mở cửa trở lại của đất nước và việc quay lại giảng dạy trực tiếp sau đại dịch.

Theo bảng xếp hạng của EF Education First, Hà Lan vẫn giữ vị trí đầu tiên, tiếp theo là các nước Singapore, Áo, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Đức, Croatia, Nam Phi, Ba Lan.

Báo cáo EF EP năm 2022 còn đánh giá một số nội dung: Mức trung bình của khu vực châu Á giảm nhẹ do sự tụt hạng của vài nước, ví dụ như Philippines và Trung Quốc, mặc dù hầu hết các quốc gia được khảo sát đều có cải thiện phần nào và ba quốc gia (bao gồm cả Việt Nam) lên mức thông thạo cao hơn.

Trình độ tiếng Anh được cải thiện ở nhóm trên 25 tuổi, nhóm trên 40 tuổi có sự cải thiện nhiều nhất. Mức độ thông thạo của nhóm tuổi từ 21-25 không thay đổi, giảm đáng kể là nhóm tuổi 18-20 với 50 điểm nổi bật từ năm 2020.

Năm nay, khoảng cách giới đã mở rộng, với trình độ thông thạo tiếng Anh của nam giới tiếp tục vượt xa nữ giới. Điều này dường như được tạo ra từ hệ thống giáo dục thiên vị hoặc sự tiếp cận không bình đẳng.

Các thành phố lớn không phải lúc nào cũng có khả năng tiếng Anh tốt nhất. Trong số hơn 500 thành phố được kiểm tra, 130 thành phố không vượt trội khu vực của họ và 130 thành phố khác hầu như không. Điều này có ý nghĩa đối với việc tuyển dụng khi chuyển sang làm việc từ xa.

Trong các nước châu Á, Việt Nam xếp hạng 7, sau các nước Singapore, Philipines, Malaysia, Hồng Kông Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ. Trong các nước ASEAN, Việt Nam xếp hạng 4, sau Singapore (thứ 2) Philippines (thứ 22) và Malaysia (thứ 24).Các nước láng giềng của Việt Nam tiếp tục giảm xếp hạng.

Đáng chú ý là Trung Quốc từ vị trí 49 năm 2021 xuống hạng 62 năm 2022 và Philippines từ vị trí thứ 18 năm 2021 xuống vị trí thứ 22 năm 2022.

Năm nay, bảng xếp hạng có sự góp mặt của 111 quốc gia và vùng lãnh thổ mà tiếng Anh không phải là bản ngữ, giảm một so với năm ngoái. Với 502/800 điểm, Việt Nam được xếp vào nhóm 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có mức độ thông thạo tiếng Anh trung bình (màu xanh). Năm ngoái, Việt Nam đạt 486 điểm, bị xếp vào nhóm có mức độ thông thạo tiếng Anh thấp (màu vàng).

EF Education First (EF), tổ chức giáo dục lớn nhất thế giới tập trung vào ngôn ngữ, học thuật và trải nghiệm văn hóa có trụ sở tại Thụy Điển hôm nay công bố bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu.

Trúc Chi (theo Vnexpress, Pháp luật Việt Nam)