Toàn cảnh

Việt Nam tăng 27 bậc về phòng chống tham nhũng

Tổ chức Minh bạch Thế giới đánh giá năm 2019 chúng ta đã tăng 27 bậc so với năm 2012, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng.

Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2020, ngành Thanh tra nhận được sự quan tâm của các Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng và đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của các nước.

Tổng thanh tra Chính Phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến 3 vấn đề lớn trong năm 2021. Theo đó, các ngành, các cấp trong hệ thống thanh tra tăng cường thanh tra trách nhiệm, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực có dấu hiệu vi phạm, dư luận phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; thanh tra chuyên ngành tập trung vào các vấn đề bức xúc của xã hội, có nhiều vi phạm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: VGP

Đồng thời, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật, chấn chính công tác quản lý nhà nước, kiến nghị hoàn thiện, chính sách pháp luật trên các lĩnh vực thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng quy định pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm, thu hồi tài sản chiếm đoạt, thất thoát về cho nhà nước.

Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến hoạt động thanh tra, đặc biệt là nghị quyết 84 của Chính phủ, chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ…

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết kiếu nại tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã lập danh sách các vụ việc đông người, tổ chức hội nghị với địa phương. Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Thường trực làm Tổ trưởng, sau 1 năm đã làm việc với 10 địa phương xử lý nhiều vụ việc phức tạp.

Tình hình khiếu nại tố cáo cả nước trong năm 2020 đã giảm đáng kể về các chỉ số: số lượng người khiếu nại, số đơn, đoàn phức tạp đông người.... Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các địa phương vào cuộc tích cực nên giải quyết dứt điểm từ cơ sở.

Bước sang năm 2021 với nhiều sự kiện chính trị, văn hoá quan trọng của đất nước như ngay từ đầu năm diễn ra đại hội lần thứ XIII của Đảng. Theo Tổng Thanh tra, dự báo “tình hình khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp vẫn diễn ra, tiếp tục không đơn giản”. Vì vậy, ông đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, vào cuộc tích cực hơn đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thực hiện chủ trương, các kế hoạch của Chính phủ Thanh tra Chính phủ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ đại hội Đảng; Các địa phương, bộ ngành phối hợp với Thanh tra Chính phủ giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, quan tâm đến những vụ việc đang tồn đọng cũ, giải quyết dứt điểm những việc cũ, góp phần làm giảm tình hình khiếu nại phức tạp đông người…

Thời gian qua, phòng chống tham nhũng đạt được kết quả tích cực với sự vào cuộc quyết liệt của Trung ương, Chính phủ và các bộ, ngành. Tình hình tham nhũng từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Tổ chức Minh bạch Thế giới đánh giá năm 2019 chúng ta đã tăng 27 bậc so với năm 2012, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên công tác này rất phức tạp, cần kiên trì đấu tranh lâu dài, các giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh.

Hiện nay, dư luận quan tâm tình trạng nhũng nhiều, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết các công việc, do đó đề nghị các bộ ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề này trong thực hiện thủ tục hành chính, công khai minh bạch để ngăn chặn tình trạng này.

Xây dựng hệ thống pháp luật chất lượng cao

Bộ trưởng bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 và nhiệm kỳ tới, bộ Tư pháp sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, đồng thời kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương quan tâm công tác xây dựng pháp luật.

Tinh thần thực sự coi trọng công tác xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật cần được kế thừa một cách nhất quán trong điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền địa phương trong nhiệm kỳ tới.

Thứ hai là tập trung xây dựng hệ thống pháp luật chất lượng cao, thể hiện rõ tính công bằng, thống nhất, đồng bộ, ổn định, dễ tiếp cận, đặc biệt có chi phí thấp, có sức cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Thứ ba là đảm bảo tính đồng bộ giữa cải cách kinh tế, cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, xây dựng thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dễ tiếp cận, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp, phát triển mạnh hệ thống dịch vụ pháp lý, nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án dân sự, kinh doanh thương mại…

Hương Lan