Đối thoại

Thứ trưởng Bộ TT&TT: Việt Nam sẽ sớm triển khai trường đại học “ba không"

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, trường đại học số có thể hiểu là trường đại học “ba không", nghĩa là không giảng đường, không giáo trình, không giảng viên.

Trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), có thể thấy, vấn đề thường gặp phải đó là nằm ở con người, khiến nhiều người hiểu CĐS không phải là vấn đề của công nghệ. Theo đó, ngày 11/12, các chuyên gia đã có phần bàn luận mở rộng tại Phiên thảo luận của Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần III.

Phiên thảo luận của Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Bộ TT&TT và các tập đoàn, doanh nghiệp

Con người hay công nghệ đóng vai trò quan trọng hơn trong CĐS?

Theo ông Vũ Minh Trí, Phó Chủ tịch Công ty IOT Link, để hiểu đúng vấn đề này, phải là CĐS không chỉ là vấn đề của công nghệ, từ đó, con người, cách chúng ta vận hành tổ chức cũng sẽ là điểm mấu chốt.

Ông Vũ Minh Trí, Phó chủ tịch Công ty IOT Link. Ảnh: VNE

Ông lấy ví dụ, ERP luôn là điểm đầu tiên khi các doanh nghiệp thực hiện CĐS. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp mua phần mềm ERP của những công ty nổi tiếng, tuy nhiên tỉ lệ thất bại khi triển khai ERP là lớn hơn 90%. Bởi xảy ra thực trạng mua về không ai dùng tới hoặc không thể triển khai phù hợp.

Những thất bại ấy, đều có cùng một điểm chung đó là vấn đề về quản lý. Trong ứng dụng CĐS, khi đã có phần mềm CĐS đủ thuyết phục, cần quản lý được những thay đổi đó là điều vô cùng quan trọng.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Hà Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ G-Group cho rằng, công cụ chỉ là công cụ, cuối cùng vẫn phải là con người và văn hoá tổ chức, liệu con người có đủ quyết tâm để chuyển đổi, xây dựng tổ chức của mình bền chặt hơn hay không là một vấn đề khác.

Tổng kết lại vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng phải nhận định đúng, công nghệ mới xuất hiện và điều đó tạo ra cơ hội cho sự thay đổi. Từ đó, tạo ra cơ hội cho chúng ta xử lý những bài toán còn tồn tại lâu dài của loài người.

Sau đó, mới xuất hiện câu chuyện, chúng ta có muốn và có dám chuyển đổi hay không. Đồng thời, đó là thể chế hoá cho vấn đề trở nên hợp pháp với mỗi quốc gia hay không. Do vậy, có thể thấy mối quan hệ giữa CĐS với con người, thể chế luôn có sự móc nối nhất định.

Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm: "Công nghệ mới xuất hiện và điều đó tạo ra cơ hội cho sự thay đổi"

Đào tạo nhân lực vẫn là một thách thức

Trả lời câu hỏi của TS. Trần Thọ Đạt, ĐH Kinh tế quốc dân về việc đào tạo nguồn nhân lực trong CĐS cũng là một thách thức lớn, từ đó phương thức đào tạo cần thay đổi như thế nào cho phù hợp với thời cuộc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết : “Đây là câu chuyện mà Bộ TT&TT cùng Bộ Giáo dục đã rất trăn trở”.

Từ đó, ông cho rằng, trường đại học số có thể sẽ là một giải pháp đột phá để Việt Nam có thể đào tạo được nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng cho nhu cầu trong giai đoạn tới. Trường đại học số có thể hiểu là trường đại học “ba không", nghĩa là không giảng đường, không giáo trình, không giảng viên.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện

Giải thích về điều này, Thứ trưởng cho biết, thứ nhất, “không giảng đường” nghĩa là mọi hoạt động dạy và học sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Thứ hai, “không giáo trình", học viên sẽ sử dụng giáo trình số, mỗi học viên sẽ có một lộ trình học tập, giáo trình riêng biệt tuỳ thuộc theo kỹ năng, điểm mạnh, yếu của bản thân. Thứ ba, khi “không giảng viên", chúng ta sẽ được tiếp nhận kiến thức từ AI, khi đã được chuẩn hoá, AI có thể dạy con người với trình độ có thể ở khoảng 80% so với một giáo sư, hơn nữa, một AI có thể dạy hàng triệu học viên cùng một lúc, không phân biệt giờ giấc, địa lý. 

Từ đó, tốc độ và số lượng đào tạo sẽ nâng lên theo cấp số nhân, đáp ứng được nhu cầu của thời đại, mọi thứ diễn ra và thay đổi rất nhanh. Bởi đại học số cho phép người học được học mọi lúc mọi nơi, thậm chí rút ngắn thời gian học lại, điều này lại vô cùng phù hợp với việc đào tạo công nghệ. Ông lấy dẫn chứng, với chứng chỉ nghề đào tạo của Google, chỉ cần khoảng 3-6 tháng đào tạo, Google đã có thể chấp nhận đó là một kỹ sư lành nghề để tuyển dụng. 

Nhìn ở mức độ tổng quát hơn, Thứ trưởng cho biết, hiện nay tỉ lệ sinh viên trên 10 nghìn dân của Việt Nam so với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là thấp hơn. Trong đó, Hàn Quốc có tỉ lệ cao nhất, tìm hiểu sâu hơn thì đây cũng là nước triển khai số lượng đại học số khá nhiều và nhanh, riêng chỉ trong 2021 đạt con số 19 trường.

Mặt khác, bên cạnh đào tạo mới, việc đào tạo nâng cấp và đào tạo lại nguồn nhân lực cũng rất cần thiết. Trong năm 2022, Bộ TT&TT sẽ triển khai việc đào tạo trên những nền tảng MOOC (massive open online course - tạm dịch: khóa học thông qua Internet không giới hạn số người tham dự), qua đó nhắm tới hai mục tiêu: đào tạo khoảng 10 nghìn chuyên gia cho CĐS và đạt 10 triệu lượt đào tạo phổ cập kỹ năng số cho toàn dân.