Kinh tế vĩ mô

"Việt Nam phải chịu cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 50 năm qua"

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, đại diện WB cho rằng đây là thời điểm tốt để Việt Nam xem xét cải cách thuế nhằm hỗ trợ tham vọng trở thành nước thu nhập cao.

Ngày 5/12, trong phiên tọa đàm chuyên đề thứ nhất thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Tiến sĩ Jacques Morisset - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - đã trình bày một số kinh nghiệm của thế giới về sử dụng thuế làm công cụ hỗ trợ kinh tế, cùng một số khuyến nghị về chính sách thuế cho Việt Nam. 

Ông Morisset cho rằng đại dịch Covid-19 đã khiến Việt Nam phải chịu cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 50 năm qua, và theo tính toán hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ ở dưới ngưỡng trung bình thế giới. Tuy nhiên, cho dù số thu thuế theo tỷ lệ GDP có xu hướng giảm trong những năm gần đây, không gian tài khóa của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng cho phép và có thể có một số sáng tạo nhất định.

Không gian tài khóa của Việt Nam so với một số quốc gia khác. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Để ứng phó với hậu quả đại dịch, đa phần các quốc gia đều sử dụng giải pháp về thuế, được chia làm 3 nhóm chính. Đầu tiên, để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều quốc gia đã giảm thuế, hoàn thuế nhanh, tạm hoãn kê khai và nộp thuế cũng như tạm ngừng thanh tra, kiểm tra về thuế. 

Thứ hai, để thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và việc làm, giải pháp giảm thuế tiêu dùng, thuế thu nhập và trợ cấp thuế nhắm vào các doanh nghiệp mục tiêu cũng được sử dụng. Các doanh nghiệp này theo đó sẽ đóng vai trò thúc đẩy đổi mới, đầu tư và tạo việc làm. 

Thứ ba, để giảm bất bình đẳng thu nhập, tăng cường công bằng trong khi tăng thu ngân sách và nắm lấy cơ hội phát triển kinh tế xanh, một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan và Hàn Quốc đã tăng thuế nhắm vào người giàu, tăng thuế bất động sản, áp dụng thuế carbon và đánh thuế nền kinh tế số. 

Từ những kinh nghiệm trên và nhìn vào bối cảnh mới, đặc biệt khi mà một thỏa thuận thuế toàn cầu sẽ không còn xa, WB cho rằng Việt Nam cần hành động dựa theo một số nguyên tắc nhất định. Chúng bao gồm: tiếp cận toàn diện và chặt chẽ trong cải cách thuế, làm theo các thông lệ quốc tế tốt về thuế, và sử dụng các biện pháp kích thích tạm thời đúng lúc. 

Hệ thống chuyển lợi nhuận giữa các quốc gia và các trụ cột của thỏa thuận thuế mới của OECD. Nguồn: Overseas Development Institute. 

Cuối cùng, ông Morisset đã đưa ra một số khuyến nghị nhất định về chính sách thuế, với ưu và nhược điểm riêng theo các mục tiêu chính sách. Một số khuyến nghị như thay thế ưu đãi thuế và tạm thời giảm thuế GTGT có thể giúp kinh tế phục hồi nhưng không tăng thu. Trong khi đó, việc tăng cường chống chuyển dịch lợi nhuận, tăng đánh thuế kinh tế số, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon sẽ không trực tiếp hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng phù hợp với mô hình tăng trưởng mới, bối cảnh toàn cầu và tăng thu ngân sách. 

Bên cạnh các khuyến nghị chính sách, WB cũng có một số ý tưởng “táo bạo” chỉ nhắm đến phục hồi kinh tế. Theo WB, có thể giảm thuế và tăng vay nợ để nhanh chóng hỗ trợ thế hệ hiện tại phục hồi kinh tế và chuyển gánh nặng cho tương lai. Chính phủ cũng cân bằng gánh nặng đại dịch giữa thị trường lao động và thị trường vốn bằng cách áp thuế Tobin với các giao dịch tài chính điện tử, dùng nguồn thu này để giảm mức đóng bảo hiểm xã hội và hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng.