Tiêu điểm

Việt Nam mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác giáo dục với Hoa Kỳ

Thủ tướng nhắn nhủ sinh viên cần phát huy tinh thần hiếu học, yêu nước, tự hào dân tộc, nỗ lực học tập, rèn luyện đạt kết quả cao.

Sáng 18/9 theo giờ địa phương (tối 18/9, rạng sáng 19/9 theo giờ Hà Nội), trong chương trình chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm và nói chuyện tại Đại học tổng hợp San Francisco (USF).

USF là trường đại học tư thục Công giáo ở San Francisco, được thành lập từ năm 1855, trường đại học đầu tiên ở San Francisco và là trường đại học lâu đời thứ hai ở California, nằm trong hệ thống các trường đại học quốc gia của Hoa Kỳ.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng sinh viên Việt Nam đứng thứ 3 trong số các sinh viên quốc tế của trường, với khoảng 80 sinh viên (sau Trung Quốc và Ấn Độ).

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được gặp gỡ với các cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên của nhà trường; đánh giá cao những thành tựu mà Đại học USF đạt được.

Theo Thủ tướng, Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã nhấn mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo là một trong những trọng tâm của quan hệ song phương, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm và nói chuyện tại Đại học tổng hợp San Francisco (USF) (Ảnh: VGP).

Về phần mình, Việt Nam xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu với chủ trương thúc đẩy học tập suốt đời; đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược.

Trong tổng thể quan hệ song phương, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ về giáo dục trong những năm qua chứng kiến nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có đóng góp của Đại học USF. Hiện có khoảng 50 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động giữa cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và của Hoa Kỳ.

Nhấn mạnh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy", Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm, mở rộng các cơ hội hợp tác phát triển với các cơ sở giáo dục, đào tạo của Hoa Kỳ, trong đó có Đại học San Francisco với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời và danh tiếng trên toàn thế giới.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng quan hệ hợp tác giữa Đại học San Francisco và Việt Nam sẽ tiếp nối, phát huy những thành tựu đã đạt được, ngày càng phát triển hơn nữa, với các hình thức đa dạng hơn, sâu rộng, hiệu quả và thực chất hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị Đại học USF đi đầu trong xu thế hợp tác giữa hai nước về giáo dục đào tạo, xác định Việt Nam là một trọng điểm hợp tác, cung cấp nhiều hơn nữa học bổng cho sinh viên Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nước ngoài, trong đó có sinh viên đến từ Việt Nam – một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Hiệu trưởng, cha Paul J. Fitzgerald, S.J.

Chúc mừng các sinh viên đến từ Việt Nam đang được hưởng những điều kiện giáo dục rất tốt, Thủ tướng mong các em phát huy tinh thần hiếu học, yêu nước, tự hào dân tộc, nỗ lực học tập, rèn luyện đạt kết quả cao, vừa giữ gìn những giá trị văn hóa nền tảng, vừa phát huy khát vọng khám phá với tư duy hiện đại, làm chủ những kiến thức và công nghệ mới, khẳng định người Việt Nam không thua kém trong bất cứ lĩnh vực nào so với thế giới. Phát huy vai trò cầu nối và lực lượng lao động có trình độ cao, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và của Hoa Kỳ, cho quan hệ giữa hai nước.

Liên quan tới chia sẻ của ngài Hiệu trưởng, cha Paul J. Fitzgerald, S.J. về những đóng góp của các tôn giáo trong lịch sử Việt Nam, trong đó có quá trình hình thành chữ Quốc ngữ, Thủ tướng tán thành và chia sẻ thêm rằng các tôn giáo đã có đóng góp to lớn trong quá trình hình thành nền văn hóa Việt Nam, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của các sinh viên USF. Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước tôn trọng sự lựa chọn của các sinh viên về học tập và công việc, song bất cứ khi nào các em cảm thấy có thể về nước, đóng góp tốt nhất cho đất nước thì các em đều được chào đón.

Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Hiện, các cơ quan cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách, quy định mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn về vấn đề này.