Sự kiện

Việt Nam đề cao nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế

Việt Nam đề cao nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, sẵn sàng giải quyết các tranh chấp với các đối tác thông qua trung gian, hòa giải và trọng tài.

Ngày 15/11, Hội nghị Tòa Trọng tài thường trực Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) và Hội Luật quốc tế Việt Nam đồng tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhớ lại cách đây 1 năm (tháng 11/2022) Văn phòng đại diện thứ năm của PCA ngoài trụ sở chính đặt tại La Hay (Hà Lan), chính thức được khai trương tại Hà Nội. Sau một năm được thành lập, Văn phòng đã có sự phát triển nhanh chóng với rất nhiều hoạt động sôi nổi như tham gia thụ lý các tranh chấp và cung cấp dịch vụ pháp lý, thiết lập quan hệ với các tổ chức, công ty luật trong nước, mở rộng nhân sự của Văn phòng, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo về giải quyết tranh chấp cho nhiều cán bộ các bộ, ngành của Việt Nam. 

Hướng tới dịp kỷ niệm 125 năm ngày thành lập Tòa Trọng tài thường trực, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh đây là cơ hội để ta nhìn lại những thành tựu và đóng góp của Tòa trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, góp phần củng cố hòa bình và an ninh quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ.

Nghị quyết về kỷ niệm 125 năm thành lập PCA, được Đại hội đồng LHQ khóa 78 thông qua vào tháng 8/2023 đã ghi nhận vai trò to lớn của PCA trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế. Trong hơn một thế kỷ tồn tại, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) đã phát triển thành một thể chế giải quyết tranh chấp quốc tế hiện đại thông qua việc cung cấp nhiều lựa chọn giải quyết tranh chấp khác nhau bên cạnh biện pháp trọng tài như trung gian, hòa giải…

Điểm lại những nét chính trong quan hệ Việt Nam và PCA, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết trong nhiều năm qua, hai bên đã duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thông qua việc trao đổi đoàn cấp cao và phối hợp tổ chức các hoạt động trên các diễn đàn quốc tế. Trong đó, nổi bật là chuyến thăm và làm việc với PCA tại Cung điện Hòa bình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 12/2022) và sau đó là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình (5/2023). 

“Trong bối cảnh Việt Nam thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng, cùng với tăng trưởng, các khiếu kiện, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp, trong đó việc xử lý và phối hợp giữa các cơ quan còn nhiều lúng túng.

Trên cơ sở tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam đề cao nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, sẵn sàng giải quyết các tranh chấp quốc tế với các đối tác nước ngoài tại các cơ quan trung gian, hòa giải và trọng tài quốc tế hoặc các cơ chế khác liên quan đến chủ quyền, thương mại, đầu tư... bên cạnh các biện pháp khác như trao đổi, tham vấn và đàm phán trực tiếp”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Vũ cũng bày tỏ hy vọng Văn phòng PCA tại Hà Nội có thể phát huy thế mạnh của mình trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý đối với tranh chấp giữa các quốc gia, giữa nhà đầu tư và quốc gia; và giữa các tập đoàn nhà nước. Đồng thời nhấn mạnh đây là dịp để các cơ quan, tổ chức, giới trọng tài, luật sư Việt Nam có thêm kinh nghiệm trong việc phòng ngừa và xử lý các tranh chấp quốc tế này; cơ hội và diễn đàn để kết nối hiệu quả giữa cộng đồng pháp lý Việt Nam với quốc tế.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mong muốn hội nghị sẽ trở thành sự kiện pháp lý thường niên, quy tụ các học giả, luật sư, chuyên gia pháp lý quốc tế hàng đầu gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm, tăng sự hiện diện của Việt Nam trong cộng đồng pháp lý quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành địa điểm được các nước, các tập đoàn lựa chọn khi giải quyết tranh chấp trong tương lai.

Ông Marcin Czepelak - Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực phát biểu trong phiên khai mạc.

Nhấn mạnh về sứ mệnh “hòa bình” trong quá trình phụng sự nhân loại, Tổng Thư ký PCA Marcin Czepelak cho biết PCA được thành lập theo Công ước năm 1899 về giải quyết tranh chấp quốc tế ở Thái Bình Dương với mục tiêu tìm kiếm các biện pháp khách quan nhất để đảm bảo cho tất cả các dân tộc những lợi ích của một nền hòa bình thực sự và lâu dài.

Với tư cách là một công cụ hòa bình, ông Marcin Czepelak cho rằng PCA cần “có thể tiếp cận được mọi lúc”, không quan trọng thời gian khó khăn như thế nào.

“Hòa bình chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc. Hòa bình không phải là tình trạng hỗn loạn mà hòa bình dựa trên trật tự và trật tự dựa trên các nguyên tắc. Có nhiều loại nguyên tắc khác nhau và tại hội nghị này, chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào các nguyên tắc pháp lý, vì trật tự pháp lý quốc tế là không thể thiếu và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế cũng là điều không thể thiếu”, Tổng thư ký PCA nói.

Dẫn chứng bằng số lượng các vụ việc hiện đang tiếp nhận giải quyết, ông Marcin Czepelak đánh giá PCA đã trở thành một yếu tố cơ bản của cơ cấu giải quyết tranh chấp.

Trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, ông Czepelak nhấn mạnh đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho thế giới về việc trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc pháp lý không thể được coi là đương nhiên. Những nguyên tắc đó đang bị thách thức và rất cần thiết được xác nhận và bảo vệ.

Ghi nhận sự ủng hộ không ngừng của Việt Nam đối với trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, Tổng Thư ký PCA khẳng định sự hỗ trợ của Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của PCA.

“Với tư cách là Tổng Thư ký PCA, tôi đã đến thăm Việt Nam ba lần. Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vào tháng 9 năm nay, chúng tôi đã nói về tham vọng của Việt Nam trở thành trung tâm trọng tài quốc tế. Và hôm qua chúng tôi tiếp tục cuộc thảo luận này với Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ”, ông Czepelak nói đồng thời giải thích những kết quả tích cực mà Văn phòng PCA Hà Nội đạt được sau 1 năm thành lập chính là nhờ Việt Nam và PCA đã tin tưởng lẫn nhau.