Đa chiều

Bởi một lẽ đơn giản: Việt Nam là đất nước vì hòa bình...

Với cuộc gặp Hoa Kỳ - Triều Tiên lần này, Việt Nam sẽ kê cho cả 2 bên những chiếc ghế 4 chân vững chắc, và sẽ bắn những loạt đại bác hòa bình để chào mừng dành cho hai nguyên thủ, trước khi bất cứ một hiệp ước hòa bình nào được ký. Bởi một lẽ đơn giản: Việt Nam là đất nước vì hòa bình!

Trước cửa trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), có một chiếc ghế gãy. Chiếc ghế còn được biết đến với cái tên “Broken Chair”, là tác phẩm điêu khắc bằng gỗ của nghệ nhân người Thụy Sĩ - Daniel Berset. Được làm từ 5,5 tấn gỗ, cao tới 24m, Broken Chair được giới thiệu là “biểu tượng của mong manh và sức mạnh, chênh vênh và ổn định, tàn bạo và cao quý”. Chiếc ghế được dựng lên tháng 12 năm 1997 để phản đối việc sử dụng mìn sát thương cá nhân và bom bi trong phong trào đòi ký Công ước cấm mìn sát thương diễn ra tại Ottawa, Canada. Sau này, khi công ước đã được ký, người ta vẫn duy trì chiếc ghế như là một biểu tượng của hòa bình.

“Broken Chair” - Chiếc ghế gãy chân

Ngay cạnh Broken Chair, là một khẩu đại bác khác bị buộc nòng. Khẩu đại bác có thông điệp rất rõ ràng, có lẽ không cần diễn giải bằng lời, rằng hãy chấm dứt chiến tranh trên toàn thế giới.

Khẩu đại bác khác bị buộc nòng

Đây là những biểu tượng hòa bình của thế giới.

Còn ở Hà Nội, thành phố mà tròn 20 năm trước đã được UNESCO trao tặng danh hiệu "thành phố vì hòa bình" thì sao? Chúng ta có biểu tượng nào không?.

Câu trả lời là có.

Ở vườn hoa Hàng Đậu, có một tượng đài nặng 300 tấn, cao 9,7m với hình tượng người chiến sĩ quyết tử ôm bom ba càng và thiếu nữ Hà Nội với một thanh kiếm trên tay. Tượng đài này có tên là “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh”.

Thực ra, cho dù biểu tượng là nòng súng bị buộc, hay là người chiến sĩ ôm bom ba càng, chúng đều là những biểu tượng của hòa bình. Ở Geneva, người ta có thể buộc nòng súng của một chiếc đại bác để gửi gắm thông điệp hòa bình. Thì ở Hà Nội, người Việt muốn nói rằng, chúng tôi nổ súng vì nền độc lập cho dân tộc chúng tôi, vì chúng tôi nổ súng cho hòa bình. Những đất nước, trải qua chiến tranh liên miên như Việt Nam có lẽ là đất nước hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình, có lẽ, là những người có quyền nói về hòa bình nhiều nhất. Vì một lý do đơn giản, nó được đánh đổi bằng xương máu thật và nỗi đau thì vẫn còn dai dẳng đến tận ngày hôm nay.

Nhưng Việt Nam không chỉ chiến đấu vì nền hòa bình của riêng mình. Việt Nam đã từng chiến đấu vì nền hòa bình của một đất nước khác, phía Tây Nam, là Campuchia.

Bây giờ, nếu bạn tới Killing Field - cánh đồng chết ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, bỏ 10 USD để mua vé vào thăm “cánh đồng chết chóc” này, bạn sẽ thấy người Campuchia nói về quân đội Việt Nam như những người ân nhân, những người đã đem lại hòa bình cho đất nước Chùa Tháp này. Ngay cả trong các thiết bị trợ giúp radio hay những tờ rơi bằng tiếng Việt được phát cho khách du lịch, những người lính Việt Nam vẫn luôn được gọi bằng cái tên thân mật, “quân tình nguyện Việt Nam”.

Tác giả đứng trước bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng

Nếu chừng đó là chưa đủ, hãy tới bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng, nằm ngay giữa thủ đô Phnom Penh, nơi từng là nhà tù giam giữ và xử tử hàng chục nghìn tù nhân. Bạn sẽ được nghe Bou Meng, người đàn ông mang số hiệu 331, kể về những ngày tháng bị giam cầm tại Tuol Sleng. Ông là một trong số 7 nhân chứng sống may mắn thoát chết khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979. “Nếu không có bộ đội Việt Nam, tôi có thể đã bị giết” - Bou Meng đến giờ và mãi về sau, vẫn nói với những vị khách lữ hành ngoại quốc như thế.

Ông Bou Meng, cựu tù nhân, nhân chứng sống của nhà tù Tuol Sleng

Không chỉ trong quá khứ, mà hiện tại Việt Nam cũng đang tham gia vào quá trình gìn giữ hòa bình thế giới. Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu đã gửi các quân nhân là những sĩ quan liên lạc, bác sĩ quân y sang Nam Sudan, một đất nước vẫn còn chìm đắm trong nội chiến kể từ khi thành lập năm 2011. Và cho đến nay, hàng chục, hàng trăm quân nhân thuộc diện “trăm người chọn một” đã được gửi sang đất nước châu Phi này.

Chỉ vài ngày nữa, giữa tuần này, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra ở Hà Nội. Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng này. Ở Hội nghị lần này, chúng ta không chỉ thể hiện vai trò như là một đất nước mong muốn hòa bình cho cả hai bên, không chỉ thể hiện Việt Nam đang có mối quan hệ tốt và sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Mà đây còn là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với thế giới rằng, Việt Nam là một đất nước yên bình, một nơi mà các nguyên thủ hàng đầu có thể dạo phố để thưởng thức những món ăn, đồ uống bình dân.

Hơn nữa, Việt Nam còn có thể cho Triều Tiên thấy một mô hình kinh tế đổi mới có hiệu quả, và thể hiện cho thế giới thấy khả năng tổ chức các cuộc gặp cấp cao, những hội nghị hàng đầu.

Nhìn lại lịch sử, hội nghị Paris bàn về vấn đề Việt Nam cũng đã phải trải qua gần 5 năm đàm phán, với 201 phiên họp được tổ chức công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao với 500 cuộc họp báo. Vì vậy, với cuộc gặp lần này, không ai dám chắc sẽ có một tuyên bố chung nào giữa các bên hay không. Nhưng chắc chắn, Việt Nam sẽ kê cho cả 2 bên những chiếc ghế 4 chân vững chắc, và sẽ bắn những tràng đại bác chào mừng dành cho hai nguyên thủ, trước khi bất cứ một hiệp ước nào được ký.
Bởi một lẽ đơn giản: Việt Nam là đất nước vì hòa bình!

Nguyễn Vương