Sự kiện

Việt Nam có thể tự hào vì tiếng nói được tất cả các quốc gia tôn trọng

Đây là một trong những nhấn mạnh của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres tại hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sáng nay.

Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt chào mừng Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thăm chính thức Việt Nam đúng vào dịp có ý nghĩa đặc biệt kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Liên Hợp Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu, đã hỗ trợ rất thiết thực để Việt Nam tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây, cấm vận, đổi mới toàn diện đất nước và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Việt Nam cả về tài chính, kỹ thuật, cải cách thể chế kinh tế, hành chính công, luật pháp, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS, phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng... 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc thông qua cơ chế Covax đã cung cấp cho Việt Nam 61,7 triệu liều vắc-xin và nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. Đây là nhân tố để Việt Nam nhanh chóng phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Bày tỏ tự hào là đối tác của Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá Việt Nam là một trong những thành viên năng động, tích cực của Liên hợp quốc. Những cống hiến của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã góp phần khỏa lấp khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. “Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nói.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đã và đang phải đối mặt, trong đó có sự bất bình đẳng về phân bổ vắc-xin Covid-19, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn lực để khôi phục đất nước. Đây cũng là khó khăn, là vấn đề chung của các nước đang phát triển. Bởi vậy, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mong Việt Nam và Liên Hợp Quốc tiếp tục sát cánh bên nhau để tạo ra sự bình đẳng trong phát triển kinh tế, tránh nới rộng thêm khoảng cách giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tổ chức Liên hợp quốc đối với Quốc hội Việt Nam. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Liên Hợp Quốc tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của Liên Hợp Quốc, giữa các cơ quan của Liên Hợp Quốc với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực của toàn cầu, nhất là của Liên Hợp Quốc trong đề cao ưu tiên ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Việt Nam mong muốn và đề nghị các cơ quan của Liên Hợp Quốc cùng với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức đối thoại về vấn đề chuyển đổi năng lượng. Liên Hợp Quốc có vai trò ngày càng lớn hơn, quan trọng hơn trong hợp tác chuyển đổi năng lượng quốc gia một cách công bằng và bền vững, để hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam tiết kiệm công nghệ, nguồn tài chính bảo đảm cân bằng lợi ích và chi phí của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, với các cơ chế riêng có, Liên Hợp Quốc có thể dẫn dắt trong việc định hình, thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác quốc tế nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng cũng như chuyển đổi số. Quốc hội Việt Nam đang tập trung nỗ lực vào hai thách thức này để ban hành những khung khổ thể chế thích hợp, tận dụng được cơ hội, khắc phục những khó khăn, thách thức, rủi ro để đảm bảo sự phát triển.

Tổng Thư ký António Guterres khẳng định, Liên Hợp Quốc coi tiếng nói của Việt Nam là tiếng nói của các nước đang phát triển, là tiếng nói của phát triển. Liên Hợp Quốc luôn dành sự hỗ trợ cho Việt Nam, trong đó có những vấn đề để thực hiện cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và an ninh mạng.

Nhấn mạnh rằng những vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra cũng là những vấn đề được Liên Hợp Quốc rất quan tâm, ông António Guterres cho biết, Liên Hợp Quốc cũng vừa đưa vấn đề về chuyển đổi số, an ninh mạng vào chương trình nghị sự về công nghệ.

Trước đây, dầu lửa được coi là nguyên liệu phát triển của thế kỷ 20. Sang thế kỷ 21, dữ liệu mới là động lực để phát triển. Trong khi mạng internet thay vì hàm chứa những thông tin, dữ liệu để người ta có thể hy vọng, hiện lại đang mang những vấn đề phải quan ngại. Liên Hợp Quốc sẵn sàng cử chuyên gia giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề này.