Đối thoại

Việt Nam cần tăng cường bình đẳng giới trong chế độ hưu trí

Độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tại Việt Nam thấp hơn 5 năm so với nam giới, khiến phụ nữ mất đi nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển bao trùm và bền vững đã là định hướng phát triển then chốt, bao gồm việc điều chỉnh khung pháp lý để đảm bảo tiếp cận công bằng các dịch vụ cơ bản cũng như các cơ hội kinh tế để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là phụ nữ.

Nhằm thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và nam giới, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới từ năm 2007. Bên cạnh đó, nhiều nghị định, thông tư, chiến lược, quyết định và chỉ thị của Trung ương liên quan đến công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ phụ nữ cũng đã được ban hành.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là liệu những tài liệu pháp lý này đã được tuyên truyền đủ rộng rãi đến phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động của Việt Nam.

Đó là câu hỏi được đặt ra tại phiên Đối thoại thứ 18 của Viện Chiến lược, Chính sách Công Thương Việt Nam (VIOIT) trực thuộc Bộ Công Thương.

Buổi đối thoại có chủ đề “Thúc đẩy hòa nhập về giới trong ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam” do ông Ayumi Konishi, nguyên Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam chủ trì.

Ông Ayumi Konishi, nguyên Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, là người chủ trì VIOIT Dialogue, một Diễn đàn không chính thức hàng tháng do Viện Chiến lược và Chính sách Công Thương Việt Nam (VIOIT) khởi xướng

Xã hội hòa nhập?

Tham dự buổi đối thoại, các đại biểu cho biết, tỉ lệ phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động khá cao so với khu vực, thậm chí so với thế giới. Tuy nhiên, thu nhập của phụ nữ vẫn thấp hơn so với nam giới. Số phụ nữ tham gia vào những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao vẫn ít hơn so với nam giới.

Dù con số lao động nữ ở Việt Nam khá cao, nhưng tỉ lệ lãnh đạo nữ trong Quốc hội, cũng như trong các Bộ vẫn còn thấp. Điều này đồng nghĩa với việc ít phụ nữ có cơ hội chia sẻ quan điểm, nhu cầu hay nguyện vọng của bản thân trong quá trình ra quyết định của các lãnh đạo cấp cao.

Theo một báo cáo của UNDP, Chỉ số Bất bình đẳng giới (GII) của Việt Nam (chỉ số đo lường sự sụt giảm phát triển con người do bất bình đẳng giữa nam và nữ), tiếp tục được cải thiện vào năm 2021, đứng thứ 71 trong số 170 quốc gia.

Trong khi đó, Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2022 cho thấy, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2022 xếp vị trí 83 trong tổng số 146 quốc gia.

Nhiều người cho rằng Việt Nam là một xã hội hòa nhập về giới, đặc biệt trong lĩnh vực pháp lý. Tuy nhiên, khi nhìn vào những con số này, Việt Nam vẫn chỉ đứng ở mức trung bình.

Rào cản về chính sách

Theo một cựu nhân viên ADB, dù đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, nhưng thực tế cho thấy Việt Nam có thể đạt được nhiều thành tích tốt hơn nữa.

Một trong những rào cản đối với sự tham gia của nhiều phụ nữ Việt Nam vào lực lượng lao động chính là quan niệm cho rằng họ sinh ra để làm việc nhà và chăm sóc con cái, chứ không phải để kinh doanh hay làm lãnh đạo.

Quan niệm sai lầm này khiến nhiều phụ nữ mất đi cơ hội phát triển khả năng của bản thân hay tiếp cận với các dịch vụ tài chính và công nghệ số.

Phụ nữ chiếm trung bình 40% tổng số cán bộ cấp bộ, nhưng chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam. Ảnh: Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

Trong khi đó, một trong những thách thức đối với sự tham gia của phụ nữ trong chính phủ và lĩnh vực công chính là chế độ hưu trí, cụ thể là độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới thấp hơn 5 năm so với nam giới, một chuyên gia của UNDP cho biết.

Trong nền kinh tế hiện đại, với phần đông dân số là lao động trí thức, điều này cản trở họ đạt được các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị cũng như trong các cơ quan Nhà nước.

Nếu những thách thức này được giải quyết, phụ nữ sẽ làm việc hiệu quả hơn và đóng góp tích cực hơn vào các mục tiêu phát triển cũng như mục tiêu kinh tế của Việt Nam.

Bình đẳng về tuổi nghỉ hưu

Nghiên cứu cho thấy, sự tham gia của phụ nữ trong các doanh nghiệp xuất khẩu cao hơn so với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ phụ nữ trong các doanh nghiệp xuất khẩu là 33%, trong khi con số này ở các lĩnh vực khác chỉ ở mức 24%.

Nói cách khác, các ngành xuất nhập khẩu và thương mại ảnh hưởng khá nhiều đến tỉ lệ bình đẳng giới, đặc biệt ở những quốc gia có nền kinh tế mở như Việt Nam, nơi những ngành này phát triển khá mạnh mẽ.

Tại Việt Nam, độ tuổi nghỉ hưu ở nữ giới năm 2023 là đủ 56 tuổi và ở nam giới là đủ 60 tuổi 9 tháng trong điều kiện làm việc bình thường. Ảnh: chinhphu.vn

Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu xem những ngành nghề nào tuyển dụng nhiều lao động nữ để thiết lập những chính sách dành riêng cho các ngành nghề đó nhằm thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của nữ giới, một đại biểu đề xuất.

Đối với những nghề nghiệp yêu cầu người lao động phải nghỉ hưu sớm vì lý do liên quan đến sức khỏe, chính sách này nên được áp dụng với cả lao động nam và nữ, thay vì buộc phụ nữ phải nghỉ hưu trước nam giới.

Liên quan đến tỉ lệ phụ nữ tham chính, một đại biểu cho rằng vấn đề này đòi hỏi Việt Nam phải đưa ra những chính sách phù hợp. Vị đại biểu này cũng cho rằng khu vực Nhà nước cần đi đầu trong việc tăng cường tỉ lệ phụ nữ trong tổ chức.

Khu vực Nhà nước cần chứng minh được tầm quan trọng của bình đẳng giới thông qua luật pháp của Quốc hội và chiến lược của Chính phủ. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đặt ra mục tiêu đối với tỉ lệ nữ giới tham gia vào hệ thống chính trị, cũng như vào khu vực Nhà nước.