Thế giới

Việc vỡ nợ ảnh hưởng thế nào đến quân đội Mỹ?

Nếu chính quyền Tổng thống Biden và Đảng Cộng hòa không vượt qua được bế tắc về trần nợ, danh tiếng của quân đội Mỹ ở nước ngoài có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Những hồi chuông báo động về khả năng xảy ra vụ vỡ nợ lần đầu tiên của Mỹ vẫn đang reo lên không ngừng, khi Đảng Cộng hòa kiên quyết yêu cầu cắt giảm ngân sách để đổi lấy việc dỡ bỏ trần nợ của Mỹ, trong khi Nhà Trắng khăng khăng cho rằng trần nợ nên được nâng lên ngay bây giờ, và các cuộc đàm phán cắt giảm chi tiêu nên được tổ chức riêng.

Hai bên vẫn bế tắc bất chấp nhiều tuần cảnh báo từ các quan chức chính phủ và chủ ngân hàng rằng việc vỡ nợ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm suy thoái kinh tế và khả năng lây lan sang lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Cuộc chiến bên bờ vực cho đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển. Nếu tình trạng bế tắc không được giải quyết trước ngày 1/6, Washington sẽ không thể vay thêm tiền để thanh toán các hóa đơn chi tiêu mà Quốc hội đã thông qua, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo.

Khoản chi khổng lồ

Hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa có đạt được sự thống nhất về trần nợ trước khi Mỹ chính thức vỡ nợ vào tháng 6 như cảnh báo hay không, nhưng ông Biden hôm 14/5 cho biết, ông rất lạc quan về việc đạt được một thỏa thuận như vậy.

Bộ Tài chính Mỹ chưa bao giờ mất khả năng thanh toán (trừ năm 1812, khi các khu vực của Washington bị đốt cháy, bao gồm cả tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ do chiến tranh), nên không rõ chính xác tác động của sự việc này là gì.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đạp xe ở Bãi biển Rehoboth, Delaware hôm 14/5. Ông Biden và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ có thể sẽ nối lại đàm phán về trần nợ tại Nhà Trắng hôm 16/5. Ảnh: SCMP

Vấn đề này phụ thuộc vào cách Bộ Tài chính quyết định dành sự ưu tiên cho những hóa đơn nào.

Bộ Quốc phòng Mỹ chi hàng tỷ USD mỗi ngày cho quân đội, dân sự và trả lương cho nhà thầu, mua nhiên liệu để duy trì hoạt động của các căn cứ, tàu trên biển, các nhà máy hạt nhân, hay các dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, họ cũng cần đảm bảo các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và các khoản thanh toán hưu trí cho các cựu chiến binh, theo ông Arnold Punaro, tướng Thủy quân lục chiến về hưu và là cựu giám đốc nhân viên của Ủy ban dịch vụ vũ trang Thượng viện Mỹ.

“Chính phủ có thể sử dụng bất kỳ nguồn thu nào có được nếu trần nợ không được nâng lên, nhưng số tiền đó sẽ không đủ để hỗ trợ các hoạt động bình thường”, ông Punaro bổ sung thêm.

Chỉ tính riêng về tiền lương cho quân nhân, Mỹ sẽ phải chi khoảng 4 tỷ USD vào ngày 15/6, theo một phân tích được Trung tâm chính sách lưỡng đảng công bố mới đây.

Vào ngày 1/6, quốc gia này sẽ cần chi 12 tỷ USD cho các khoản thanh toán hưu trí quân sự và dân sự, và 12 tỷ USD nữa trợ cấp cho các cựu chiến binh.

Hủy hoại danh tiếng

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của quân đội Mỹ đã lên tiếng về tác động tiềm tàng mà nó có thể gây ra, cả về khả năng chi trả cho quân đội nước này, cũng như danh tiếng của họ ở nước ngoài.

“Đó không chỉ là một vết nhơ lớn đối với uy tín của Mỹ trong một thế giới đầy nguy hiểm và bất ổn. Nó sẽ giống như việc chính phủ đóng cửa an ninh quốc gia của chúng ta”, tướng Punaro nhận định.

Theo chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley: “Trung Quốc đang mô tả Mỹ như một cường quốc đang suy tàn. Việc không trả được nợ sẽ chỉ củng cố suy nghĩ đó và khuyến khích Trung Quốc, đồng thời tăng thêm rủi ro cho Mỹ”.

Ngoài ra, nó cũng sẽ cản trở công việc với các đồng minh và đối tác, đồng thời đặt ra câu hỏi liệu Lầu Năm Góc có thể thực hiện các chương trình hay không, ông Austin khẳng định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, Mỹ năm 2022. Ảnh: CNN

“Nhưng quan trọng nhất, điều này sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của quân đội và người dân của chúng ta. Đó là điều mà Trung Quốc và các quốc gia khác có thể khai thác”, ông Austin e ngại.

Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Lầu Năm Góc đưa ra cảnh báo về việc vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến quân đội như thế nào.

Trong một bức thư được công bố vào tháng 10/2021, khi khoản nợ của Washington gần chạm mức trần, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cảnh báo rằng việc vỡ nợ sẽ “làm suy yếu sức mạnh kinh tế mà an ninh quốc gia của chúng ta dựa vào, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến các quân nhân và gia đình của họ”.

Ông Austin đã lưu ý rằng lợi ích của 2,4 triệu quân nhân về hưu và 400.000 người sống sót sẽ gặp rủi ro, các nhà thầu liên bang có thể bị chậm thanh toán, và danh tiếng quốc tế của Mỹ cũng như vai trò của đồng USD sẽ bị giảm sút.

Cuối năm 2021, Quốc hội Mỹ sau đó đã nâng trần nợ lên khoảng 31,4 nghìn tỷ USD.

Nguyễn Tuyết (Theo The Hill, Breaking Defense, SCMP)