Xi nhan Trái Phải

Việc tử tế cần sự “thông thái” dẫn đường?

Chắc bạn đã từng gặp một người ăn xin ven đường nhưng trong lòng lưỡng lự vì không biết là ăn xin thật hay ăn xin giả? Câu chuyện bị mất niềm tin bởi nhiều đối tượng giả làm người khuyết tật, người nghèo khổ lợi dụng lòng tốt của người khác kiếm tiền có lẽ không còn xa lạ.

Vụ việc khiến mọi người không khỏi thất vọng ngày 15/2 vừa rồi, là việc trên chuyến xe buýt số 13 đi từ Bến xe Củ Chi - Công viên 23/9, một phụ nữ bụng to có những cử chỉ, hành vi khiến mọi người tưởng chị mang bầu sắp sinh. Mọi người cùng nhau quyên góp hơn 4 triệu đồng và đưa chị vào bệnh viện, tuy nhiên chị bỏ đi sau khi được các bác sĩ xác định không có thai, bụng to do mỡ nhiều.
Người lái xe hiện đứng trước nguy cơ bị phạt vì đã lái xe sai lộ trình do hối hả đưa chị đó đi cấp cứu. Câu chuyện này khiến không chỉ người trong cuộc giúp đỡ người phụ nữ kia hụt hẫng và hoang mang, thậm chí căm ghét mà có lẽ cũng là tâm trạng của rất nhiều người từng bị “mắc bẫy”.

Người phụ nữ giả mang thai trên xe buýt để xin tiền 

Vào dịp cận Tết, xuất hiện nhiều “người vô gia cư ở nhà lầu” trà trộn vào những người nghèo khổ thực sự chỉ để nhận những món quà thiện nguyện ý nghĩa. Rồi tới hình ảnh “người ăn xin” vây quanh du khách tại chợ Viềng (Nam Định), khi thấy máy quay truyền hình thì lập tức bỏ đi. Đó có lẽ là câu chuyện nghịch lý đáng buồn và cũng đáng chê trách.
Đáng buồn vì cứ ngỡ tâm và của của mình đến với người cần được giúp đỡ, thế mà lại vào những kẻ trục lợi. Việc tốt sinh ra để xã hội này đẹp hơn, loài người tương trợ lấy nhau mà sống. Có những đứa trẻ không cha không mẹ, không thể lao động được mà phải nhờ tới những người tốt hỗ trợ nuôi tới khi trưởng thành. Nhưng thật đau rằng những con người không lao động chân chính bằng sức khỏe, trí óc của mình mà chỉ nghĩ được những trò bịp bợm để người đáng nhận không được nhận lòng tốt. Đau xót lắm! Bực tức lắm khi để chúng nhởn nhơ! Đau hơn khi mà nhiều đứa trẻ vô tội cũng trở thành “công cụ” kiếm chác của nhiều kẻ gian.

Thật buồn.
Tại sao họ có thể vì chút tiền, chút quà mà chẳng ngại đi giành lấy với những “chị Dậu” hay “lão Hạc” ngoài đời thực? Có bao giờ họ mở to đôi mắt của mình, ngoảnh lại để nhận ra miếng bánh mì, cái áo cũ, hộp mứt Tết mà mình vừa lấy đi, đáng lẽ ra phải dành cho những con người khốn khổ kia? Hy vọng những kẻ lừa đảo đó cũng sẽ một ngày bị bắt, bị giam bằng “chiếc còng số 8 của lương tâm”.

Chúng ta đang sống trong thời kỳ của một xã hội khó có thể thể phân biệt được đâu là thực, đâu là giả. Vậy nên chia sẻ và cho đi nữa hay không, khi biết có thể lòng tốt của mình sẽ rơi vào tay người không đáng? Thực sự xung quanh ta luôn có những người cần được giúp đỡ: các trung tâm trẻ em mồ côi, các trại dưỡng lão, các trường học vùng bão lũ thiên tai, vùng xa xôi...vẫn rất cần sự tử tế của mọi người.

Có lẽ, niềm tin vào luật “nhân quả” trong cuộc sống cũng không làm dứt hẳn nỗi băn khoăn trong lòng mỗi người. Do đó, ngày càng cần tới sự quan tâm hơn của các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý kịp thời, nhanh chóng và triệt để nhất có thể các hình thức lừa đảo trên. Không vì khó mà bỏ, mà gạt sang một bên và cho đó như chuyện thường tình được bởi những hành vi lừa đảo đó ngày càng biến tướng và lan rộng hơn. Phải mạnh tay nữa, mở rộng quy mô hơn nữa vì nó không chỉ là câu chuyện cướp đồng tiền mà còn là câu chuyện về quyền trẻ em, về văn hóa và niềm tin.

Tác giả đại diện cho nền văn học cổ điển Anh - Walter Scott, từng nói: “Loài người sẽ diệt vong nếu con người ngừng giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta không thể tồn tại mà không hỗ trợ lẫn nhau. Và do đó tất cả những người cần trợ giúp có quyền đi tìm sự giúp đỡ từ người khác; và không ai có khả năng giúp đỡ lại có thể từ chối mà không thấy cắn rứt.”
Walter Scott nói đúng.
Nhưng trong thời buổi hiện nay, cũng giống như khi mua thực phẩm dùng hằng ngày, trước nguy cơ bị gian dối, khách hàng hay nhận được câu tư vấn “Hãy là người tiêu dùng thông thái”, thì trước khi chia sẻ và cho đi sự tử tế, mỗi người hãy để sự tử tế “có mắt” và đi đúng hướng.
Nhưng thực ra, cho đi một chút lòng thơm thảo mà phải cần vận cả sự thông thái “đi kèm” nữa, thì càng buồn hơn…

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

HẠNH MỸ