Thế giới

Việc FED tăng lãi suất có ý nghĩa như thế nào?

Động thái của FED khi nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75% - mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994 sẽ giúp kiềm chế lạm phát nhưng không tránh khỏi khả năng suy thoái kinh tế.

Giá khí đốt, thực phẩm, hầu hết hàng hóa và dịch vụ khác tại Mỹ đang gia tăng. Vào tháng 5 vừa qua, giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1981. 

Với trách nhiệm ổn định giá cả và tỉ lệ thất nghiệp, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang đối mặt với đợt tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 thập kỷ. Mục tiêu của ngân hàng nhằm ổn định lạm phát theo thời gian mà không khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại quá nhiều và giảm việc làm. 

Vào tuần này, khi Phố Wall bắt đầu căng thẳng và gia tăng cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế, ngân hàng trung ương đã quyết định nâng lãi suất chuẩn thêm 0,75% trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Lạm phát kéo dài hơn, với tỷ lệ cao hơn nhiều so với dự báo của các quan chức FED, gây sức ép tới túi tiền của người dân và doanh nghiệp đã khiến FED phải hành động mạnh hơn nữa.

Việc FED nâng lãi suất chuẩn sẽ làm khách hàng gặp khó khăn hơn khi đi vay tiền, tác động đến hóa đơn thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô, thế chấp... 

Cục Dự trữ Liên bang (FED) tại Washington D.C, Mỹ vào ngày 20/4/2022. Ảnh: Getty Images.

Nâng lãi suất giúp làm chậm lạm phát như thế nào?

Quyền lực điều chỉnh lãi suất chuẩn là một trong những công cụ chính của FED để điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nâng lãi suất đồng nghĩa rằng FED không khuyến khích người tiêu dùng mua sắm nhiều, muốn người dân giảm chi tiêu. Mục đích của biện pháp này là nhằm giảm nhu cầu theo thời gian, giúp giá “hạ nhiệt” và ổn định.

FED cũng có thể hạ lãi suất khiến việc đi vay dễ dàng hơn, thúc đẩy chi tiêu và đầu tư. Vào giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, FED đã cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0. 

Đến khi đại dịch dần được kiểm soát, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với những thách thức mới bao gồm lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm. Gần đây, Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) cho biết giá xăng trung bình toàn quốc đã lần đầu tiên vượt mức 5 USD/gallon. Bên cạnh đó, sự gián đoạn nguồn cung tiếp tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, thay vì cắt giảm lãi suất để khuyến khích tăng trưởng như hồi đại dịch, FED hiện cố gắng đảo ngược hướng đi và hạ nhiệt nền kinh tế.

Liệu có suy thoái kinh tế hay không?

Việc nâng lãi suất có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng quá nhanh và quá mức, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trong tháng 5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Powell đã nhắc tới cuộc "hạ cánh mềm” khi cầu được kéo lại gần cung, dẫn đến “giảm chi phí tiền lương cho doanh nghiệp và hạ lạm phát mà không kìm hãm nền kinh tế, không gây ra suy thoái và không khiến thất nghiệp gia tăng”.

Trên thực tế, việc làm chậm nền kinh tế quá mức gây ra suy thoái có thể dẫn đến tình trạng sa thải nhân viên. Vào đầu những năm 1980, FED đã mạnh tay thắt chặt nguồn cung tiền để kiểm soát lạm phát, lãi suất cuối cùng đạt gần 20% nhưng tỷ lệ thất nghiệp cũng cao tới gần 11%. Lạm phát Mỹ đã giảm xuống, nhưng cuộc suy thoái sau đó là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái (năm 1929 - 1939) cho đến cuộc khủng hoảng tài chính đầu thế kỷ này.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell tham dự cuộc họp báo ở Washington D.C, Mỹ, vào ngày 4/5/2022. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Yếu tố vượt ngoài tầm kiểm soát

Trong khi FED có thể dùng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn còn những yếu tố kinh tế khác tác động đến lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan này.

Tình trạng thiếu hụt người lao động và nguyên vật liệu, hoạt động vận chuyển trì trệ đã gây gián đoạn nguồn cung giữa các ngành công nghiệp. Nhu cầu tăng cao nhưng hàng hóa không đủ đáp ứng là nguyên nhân chính thúc đẩy giá cả tăng vọt.

Trong khi FED cố gắng tác động đến nhu cầu bằng cách nâng lãi suất, các công ty cũng đang tìm giải pháp phục hồi hoạt động sản xuất và kinh doanh hậu đại dịch. Doanh nghiệp hiện phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng cao, một phần do tác động của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Việc FED nâng lãi suất sẽ không tác động ngay lập tức làm giảm giá xăng cũng như không trực tiếp giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét đến các sự kiện địa chính trị chẳng hạn như cuộc xung đột, tuy nhiên những yếu tố này phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng trung ương.

Phạm Hà Thanh (theo Washington Post, AP)