Giáo dục

Việt Nam có 2 trường đại học lọt top 1.000 trường uy tín thế giới

Tạp chí Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học uy tín trên thế giới mới nhất. Trong đó, Việt Nam có 2 trường đại học lọt top 1.000 trường uy tín nhất thế giới.

Cụ thể, trong bảng xếp hạng các trường uy tín thế giới của THE công bố, đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Bách khoa Hà Nội đều nằm trong top 1.000.

Cũng theo bảng xếp hạng, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.

Trong đó, đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Bách khoa Hà Nội cùng nằm trong nhóm 801-1000; tiếp theo là đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong nhóm 1000+.

Như vậy, cùng với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐHQGHN đạt mức điểm 22,2 - 28,2 của THE. Trong đó, ĐHQGHN có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng.

Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp. Trong khi đó, trường đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo bảng xếp hạng thế giới 2020 của THE, đại học Oxford tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới, tiếp theo là Viện công nghệ California (California Institute of Technology), đại học Cambridge, đại học Standford, học viện CN Massachusetts… Đáng kể nhất là sự bứt phá của Viện Công nghệ California, đơn vị đã vươn từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2 thế giới. Ở khu vực châu Á, các trường đứng đầu bao gồm đại học Thanh Hoa (thứ 23 thế giới), đại học Bắc Kinh (24) và đại học Quốc gia Singapore (25). Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 16 trường lọt vào top 1.000, Malaysia có 13 trường, Indonesia có 6 trường, Singapore có 2 trường.

Các trường trong khu vực có thứ hạng tương đương đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Bách khoa Hà Nội (nhóm 801-1000) bao gồm: đại học Chulalongkorn (đứng thứ 3 ở Thái Lan), Universiti Tenaga Nasional (UNITEN) và Universiti Utara Malaysia (cùng đứng thứ 9 ở Malaysia).

 

Thứ hạng của các trường đại học tại Việt Nam được THE công bố.

THE xếp hạng các trường đại học theo 5 nhóm tiêu chí, gồm: Giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm), Nghiên cứu (30%), Trích dẫn khoa học (30%), Triển vọng quốc tế (7,5%), Thu nhập nhờ chuyển giao tri thức (2,5%).

1) Giảng dạy (Môi trường học tập) với trọng số điểm xếp hạng là 30% và 5 tiêu chí xếp hạng, bao gồm: kết quả khảo sát về uy tín giảng dạy (15%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (4,5%), tỷ lệ học viên nghiên cứu sinh/sinh viên đại học (2,25%), tỷ lệ giảng viên là tiến sỹ (6%), và thu nhập của đơn vị (2,25%). Thu nhập của trường đại học được THE tính thông qua chỉ số sức mua tương đương, phản ánh mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học ở trường đại học.

2) Nghiên cứu (số lượng; thu nhập; uy tín) với trọng số 30%, bao gồm: kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%), và năng suất nghiên cứu (6%);

3) Trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường đại học) với trọng số 30%. Dữ liệu được tính thông qua 23.400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liêu Scopus trong giai đoạn từ 2014 đến 2018. Lượng trích dẫn được tính cho các ấn phẩm này trong giai đoạn từ 2014 đến 2019. Đã có 12,8 triệu công bố và 77,4 triệu trích dẫn được tính toán.

4) Quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5%, bao gồm: tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5%, thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế);

5) Thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5% tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.

Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá, THE đã phân tích 77,4 triệu lượt trích dẫn đối với 12,8 triệu bài báo được xuất bản trong vòng 5 năm từ nhà cung cấp dữ liệu Elsevier và khảo sát danh tiếng học thuật thường niên từ Academic Reputation Survey nhằm cung cấp những so sánh toàn diện và cân bằng nhất về chất lượng của các trường đại học trên thế giới.

Trước đó, ngày 13/6, tại Hà Nội, cục Hợp tác quốc tế, bộ GD&ĐT phối hợp với Thời báo Giáo dục đại học tổ chức hội thảo chuyên đề tìm kiếm kinh nghiệm, cơ hội phát triển thương hiệu, thứ hạng và đẩy mạnh quốc tế hóa cho cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Tại hội thảo, Giám đốc khu vực và Tổng Giám Đốc (châu Á) của THE Justin Tay đã giới thiệu tới đại diện các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam về bảng xếp hạng các trường đại học có sức ảnh hưởng của THE; những phân tích dữ liệu đánh giá các trường đại học trên thế giới và phương pháp nghiên cứu của THE. Đồng thời, cũng đưa ra những phân tích về bảng xếp hạng các trường đại học tại châu Á với mục đích đưa ra thang chuẩn và giới thiệu về thành công của các trường đại học tại châu Á trong việc xây dựng thương hiệu và quốc tế hóa.

Đại diện của THE cho biết, trước khi đến Việt Nam đã có những tìm hiểu, nghiên cứu và dự đoán về triển vọng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của THE. Thông qua cơ sở dữ liệu của một số cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cung cấp, THE nhận thấy đã có sự tăng trưởng nhanh về số lượng các bài báo quốc tế, vì vậy, khả năng trong một vài năm tới các đại học của Việt Nam sẽ có mặt trong bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của THE.

Thời điểm này, các trường đại học của Việt Nam đã có mặt trong bảng xếp hạng các trường uy tín trên thế giới do THE công bố, được đánh giá là "trái ngọt chín sớm", một tín hiệu đáng mừng cho nền giáo dục Việt Nam.

THE ra đời vào năm 2004, là tạp chí về tin tức và các vấn đề giáo dục bậc cao, có trụ sở tại London, Vương quốc Anh. THE World University Rankings là bảng xếp hạng có uy tín, được sinh viên, nhà khoa học, lãnh đạo trường đại học, doanh nghiệp và các Chính phủ tin cậy.