Mới- nóng

Video: Tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo khác nhau như thế nào?

Quỹ đạo bay của tên lửa hành trình có thể đổi hướng để tiếp cận mục tiêu, còn tên lửa đạn đạo gần như không đổi sau khi phóng.

Tên lửa đạn đạo được thiết lập tọa độ mục tiêu trước khi phóng và gần như không đổi hướng trong suốt hành trình. Tên lửa tách tầng sau khi được động cơ đưa lên độ cao phù hợp. Đầu đạn hướng về phía mục tiêu bắt đầu giai đoạn hồi quyển, trọng lực trái đất giúp tăng tốc độ hồi quyển của đầu đạn.

Tên lửa hành trình về bản chất là khí cụ bay sử dụng động cơ phản lực không người lái có điều khiển, thường được phóng từ chiến hạm, oanh tạc cơ hoặc tiêm kích hoặc bệ phóng di động trên đất liền.

Khi đủ độ cao cần thiết, bộ phận đẩy ban đầu tách khỏi tên lửa, cánh tên lửa mở tạo lực nâng, động cơ phản lực bắt đầu hoạt động. Tên lửa hành trình được điều khiển và có thể đổi hướng trong toàn bộ quá trình bay khiến nó khó bị đánh chặn hơn.

Tải trọng của tên lửa hành trình cũng thấp hơn tên lửa đạn đạo cùng kích thước. Có nhiều công nghệ định vị được sử dụng trong tên lửa hành trình, phổ biến và rẻ tiền nhất là hệ thống radar, áp kế đo độ cao, điều chỉnh hướng bay theo bản đồ kỹ thuật số.

Tên lửa hành trình lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1944 bởi Đức Quốc Xã. Khi đó được gọi là “Bom bay V-1”.

(Tổng hợp)