Giải trí

Video: Phát hiện loài sứa cổ đại trong ao nước ngọt ở Trung Quốc

Sứa hoa đào là một loài sứa hiếm gặp đã tồn tại trên trái đất từ 600 triệu năm hiện được phát hiện trong một ao nước ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Mới đây, một loài sứa hiếm gặp được cho là đã tồn tại trên trái đất hơn 600 triệu năm xuất hiện trong một ao nước ở huyện Phú Nguyên thuộc tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc.

Các chuyên gia xác định sinh vật trong suốt hình chiếc ô này là loài Craspedacusta sowerbyi (hay sứa hoa đào), loài động vật được bảo vệ cấp 1 ở Trung Quốc. Sứa hoa đào được liệt kê trong danh mục loài vô cùng nguy cấp của Trung Quốc từ năm 2002.

Loài sứa này chỉ lớn cỡ móng tay người và có biệt danh là “thủy gấu trúc”. Hiện nay có khoảng 11 loài sứa hoa đào trên khắp thế giới, 9 loài trong số đó được phân bố ở Trung Quốc.

Được xem như động vật không xương sống nguyên thủy nhất thế giới, sứa hoa đào có giá trị nghiên cứu rất lớn.

Sứa hoa đào, còn gọi là Thủy gấu trúc, là một loài nhuyễn thể trong bộ sứa, ngành ruột khoang. Cơ thể chúng có dạng thù đối xứng tỏa tròn, trong suốt do có cấu tạo hóa học 98% là nước. Gồm một vòm mũ (dù sứa) kích thước khoảng 3cm, 4 túi sinh dục cách đều nhau phía dưới vòm mũ, bao quanh khoang miệng và túi tiêu hóa là trục đối xứng của cả cơ thể và hàng trăm tua dù nhỏ xíu đính quanh viền vòm mũ, chứa vô số tế bào gai cnidocyte có chất độc mọc trên mỗi tua. Vì sống trong môi trường cận trung tính và do kích thước nhỏ bé nên chất độc của chúng không ảnh hưởng đến con người.

Công Hiếu (t/h)