Mới- nóng

Video: Giải mã nguyên nhân của nỗi khiếp sợ “bóng đè”

Hiện tượng “bóng đè” là một nỗi khiếp sợ của rất nhiều người, nó thường xuất hiện ở những cơ thể suy nhược hoặc mới hết bệnh.

Theo khảo sát của ngành tâm thần học, khoảng 40% dân số thế giới đã ít nhất 1 lần gặp phải hiện tượng “bóng đè” trong khi ngủ. Trên thực tế, có rất nhiều kiểu “bóng đè” với những diễn biến khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, có một điểm chung đó là tức ngực, ngạt thở giống với triệu chứng lâm sàng của một cơn suy hô hấp, ngừng tim nhưng không vùng vẫy hay kêu la được. Nhiều người tỉnh rồi vẫn còn hoảng sợ.

Các trạng thái khác nhau của bóng đè:

Ảo giác đột nhập: Người bị “bóng đè” dạng này thường thấy có người lạ vào phòng mình, đi lại xung quanh hoặc ngồi ngay lên giường ngủ… Cảm giác sợ hãi khiến cơ thể họ tê cứng, khó thở, lúc tỉnh dậy mình mẩy mỏi nhừ... là hậu quả của những cơn co cơ.

Ảo giác thăng bằng: Hiện tượng này có liên quan đến chứng rối loạn tiền đình. Người bị “bóng đè” dạng này thường thấy mình bị rơi xuống vực sâu hoặc ngã từ trên những tòa nhà cao tầng xuống đất với những cảm giác y như thật, chẳng khác gì đi máy bay trong những hôm thời tiết xấu, máy bay lọt vào một ổ trống không khí, ruột gan như muốn trào ra ngoài. Một cảm giác “thật” xuất hiện trong một thực tế “ảo”.

Điều rất đặc biệt là khi rơi, khi ngã, họ không bao giờ thấy mình chạm đáy mà chỉ rơi lưng chừng là họ đã tỉnh giấc vì sợ. Lúc đó, người họ vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, chân tay co quắp, phải mất vài ba phút họ mới trấn tĩnh lại được.

Ảo giác thực thể: Đây là dạng “bóng đè” phổ biến nhất, phần lớn xuất hiện vào khoảng gần cuối giấc ngủ. Những người này bị “bóng đè” ở vùng ngực, bụng khiến họ như tê dại, không thở được. Chỉ đến khi xuất hiện tình trạng thiếu oxy lên não thì họ mới tỉnh. Lúc ấy, họ thở hổn hển, ra nhiều mồ hôi. Có người do suy nhược thần kinh, một đêm bị “đè” 2-3 lần khiến họ “sợ” ngủ. Lâu dài dẫn đến suy nhược cơ thể.

Gải mã bí ẩn của hiện tượng bóng đè:

Ở một người bình thường, giấc ngủ diễn ra theo chu kỳ, mỗi chu kỳ kéo dài từ 90 - 110 phút. Một chu kỳ sẽ qua 4 giai đoạn, mơ màng, lơ mơ ngủ, ngủ sâu, ngủ rất sâu. Khi bước vào giai đoạn thứ 2 (lơ mơ ngủ), đây chính là lúc mà “bóng đè” xảy ra. Một khảo sát tại Anh được công bố trên tạp chí Giấc ngủ của tác giả Dan Dennis cho thấy: 30% trong số 862 người được khảo sát nói rằng họ đã trải qua trạng thái “bóng đè” ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng này là căng thẳng về tâm lý, stress từ công việc, nỗi sợ hãi bệnh tật, chất kích thích, rối loạn nhịp tim…

Phòng “bóng đè” cách nào?

Để phòng hiện tượng “bóng đè”, trong nghiên cứu của tác giả Sharpless BA - Đại học Washington (Mỹ), các chuyên gia về tâm thần cho biết, cần ngủ đủ giấc, phòng ngủ thoáng, không khí lưu thông tốt, tư thế nằm thoải mái, quần áo ngủ đủ rộng để máu lưu thông điều hòa, tránh tình trạng “ngày ngủ, đêm thức”.

Hạn chế uống trà pha đậm, cà phê từ 3-5 tiếng đồng hồ trước khi ngủ vì chất cafein sẽ kích thích não bộ, ngăn chặn cơn buồn ngủ. Khi hàm lượng cafein giảm đi, người ta mới ngủ nhưng ngủ không sâu, nhất là ở “giai đoạn sau” của giấc ngủ. Không nên ăn quá no hoặc uống quá nhiều rượu, bia trước khi ngủ vì giấc ngủ trong trường hợp này thường bị não bộ bỏ qua giai đoạn “ngủ nhẹ” và “tiền ngủ sâu” nên dễ bị “bóng đè”.

(Tổng hợp)