Tài chính - Ngân hàng

VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng năm 2022

VIB đặt chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn năm 2022 đều tăng 30% so với năm trước. Ngoài ra, VIB dự kiến chia cổ tức 35%.

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) trình cổ đông các tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 16/3 tới. Trong đó, đáng chú ý là định hướng chiến lược phát triển cho giai đoạn 5 năm 2022-2026 cùng đề xuất thông qua kế hoạch chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Về kế hoạch lợi nhuận và các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022. VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. 

Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2022, VIB cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Ngân hàng cũng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách ESOP (chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên) được đề xuất nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của ngân hàng.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2021, lợi nhuận VIB đạt trên 8.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Thu nhập lãi thuần đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 39%.

Tăng mạnh thu nhập lãi thuần đến từ việc VIB mở rộng biên lãi ròng (NIM) đạt 4,4%, thông qua tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, giảm đến 1,1% so với năm 2020.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận đạt gần 310.000 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 200.000 tỷ, tăng 19%. Tổng nguồn huy động đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 27%. Riêng tiền gửi CASA tăng trưởng bứt phá 55%, chiếm tỷ trọng trên 16% tiền gửi khách hàng. Bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 24% trong năm 2021, cho vay bán lẻ đóng góp gần 90% danh mục tín dụng trong đó 95% có tài sản đảm bảo