Bóng đá Việt Nam

Vì sao V-League xuất hiện nhiều... "hòa đại nhân" đến thế?

Trong 28 trận đấu thuộc 4 vòng đã qua của V-League 2023, có đến 13 trận kết thúc với tỉ số hòa, tức chiếm 46.42%.

Trong đó, SLNA và HAGL là 2 đều có 4 trận hòa từ đầu giải. Vì số trận hòa quá nhiều, nên giới mộ điệu trên mạng xã hội đã “gắn mác” cho 2 đội với danh xưng đầy thú vị: Hòa đại nhân. Xếp sau 2 đội này là Viettel, khi đã có 3 trận bất phân thắng bại trước đối thủ. Ngoài ra, còn thêm 3 đội khác sở hữu 2 trận hòa. Một câu hỏi đặt ra, vì sao mới 4 vòng đấu trôi qua, nhưng V-League 2023 chứng kiến nhiều trận hòa đến thế?

Chính thể thức thi đấu quyết định tất cả. Việc phải nhường sân chơi cho các đội tuyển Việt Nam tập trung và làm nhiệm vụ quốc tế khiến quỹ thời gian tổ chức V-League 2023 bị hạn chế. Điều này buộc Công ty CP Bóng đá Việt Nam (VPF) chia giải đấu thành 2 giai đoạn, để thay đổi thể thức vòng tròn 2 lượt đi và về như truyền thống. Thể thức thi đấu này không có gì mới, khi từng áp dụng thành công ở mùa giải 2020.

Giai đoạn 1, 14 đội sẽ thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng. Tám đội có điểm số cao nhất không chỉ được vào nhóm đua vô địch ở giai đoạn II, mà còn chính thức trụ hạng thành công. Ngược lại, 6 đội có điểm số thấp nhất phải bước vào cuộc chiến tránh suất duy nhất rớt hạng.

Điều này buộc các CLB phải chơi đầy nỗ lực, quyết tâm ở giai đoạn I, để có thể sớm hoàn thành mục tiêu trụ hạng. Nhưng điều này kéo theo sự thận trọng của đôi bên, không muốn mạo hiểm quá nhiều. Bởi dù sao thì mỗi trận cầu ở giai đoạn này không khác gì “chung kết”.

Tiếp đến là yếu tố chiến thuật của mỗi đội. Nhiều đội ở V-League chơi với 3 trung vệ, 5 hậu vệ. Họ đề cao tính kỷ luật, chơi đầy chắc chắn và chặt chẽ. Khi gặp các đội “chiếu trên”, những đội “chiếu dưới” muốn đảm bảo tối thiểu giành 1 điểm, và nếu có cơ hội thì cố gắng tận dụng để giành chiến thắng trong trận đấu. Phải thi đấu với đội tập trung quá nhiều cho việc “đổ bê tông”, khiến các đội chiếu trên gặp nhiều khó khăn trong việc kiếm tìm chiến thắng. Thi đấu, chạm trán nhau lâu năm, việc đôi bên đã quá hiểu nhau, dẫn đến bắt bài được không có gì khó.

Hòa nhiều một phần vì sai số ở các đội. Ngay cả HAGL và SLNA, dù có 2 trận dẫn điểm trước đối thủ, nhưng vẫn bị để gỡ hòa đáng tiếc. “SLNA đã trải qua 4 trận hòa, lý do là hàng phòng ngự của chúng tôi chưa có sự tập trung cần thiết ở các tình huống cố định. Bên cạnh đó, các cầu thủ trẻ chưa bắt nhịp và làm quen được với môi trường V-League, nên các pha phối hợp của SLNA khá rời rạc”, HLV Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ ở buổi họp báo sau trận hòa 2-2 của SLNA trước Khánh Hòa. Đây là trận đấu mà đội bóng xứ Nghệ đánh rơi chiến thắng vào đúng giây bù giờ cuối cùng.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là mật độ thi đấu. Như đã nói, V-League 2023 không có nhiều thời gian tổ chức, nên buộc Ban tổ chức “dồn toa”. Chỉ chưa đầy 1 tháng, 4 vòng đấu đã diễn ra, sau 3-4 ngày các đội phải ra sân thi đấu. Xê dịch quá nhiều, không có thời gian hồi phục thể lực khiến đội chơi không đúng như đẳng cấp của mình.

Dù số trận đấu hòa nhiều, nhưng chất lượng chuyên môn rất cao. Hãy nhìn tỉ lệ số bàn thắng trung bình qua mỗi vòng đấu, lần lượt: 2.43 (vòng 1), 1.29 (vòng), 2.57 (vòng 3) và 2.71 (vòng 4). Vẫn duy trì mức ổn định, riêng 2 vòng gần nhất “bùng nổ” số bàn thắng. Thậm chí, còn vượt con số 2.52% của V-League 2020, giải đấu có lần đầu tiên tổ chức theo 2 giai đoạn. Ngay cả trước khi V-Leaue 2021 bị hủy bởi dịch Covid-19 cũng có số bàn thắng trung bình chỉ đạt 2.31%.